Quầng thâm mắt là tình trạng vùng da dưới mí mắt sẫm màu hơn những vùng da khác (hoặc có màu nâu đen). Đây là tình trạng gặp phải ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi khác nhau do vùng da xung quanh mắt mỏng và nhạy cảm hơn rất nhiều. Vùng da này rất dễ bị tổn thương nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng.
Nguyên nhân gây quầng thâm dưới mắt
Có nhiều nguyên nhân gây quầng thâm dưới mắt như: Thiếu ngủ, dị ứng, chế độ ăn uống không phù hợp, dụi mắt... Quầng thâm cũng có thể do di truyền và có thể nặng hơn do yếu tố tuổi tác, nhưng quầng thâm dưới mắt cũng có thể do thiếu một số vitamin và khoáng chất.
Một số vitamin nếu thiếu hụt là nguyên nhân gây quầng thâm dưới mắt như vitamin B, vitamin K, vitamin D, vitamin C, vitamin E và sắt. Vì vậy, để khắc phục tình trạng thâm quầng mắt nên bổ sung các loại vitamin này.
Quầng thâm mắt là dấu hiệu của lão hóa. |
Ngoài ra việc đi nắng nhiều, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và không sử dụng các biện pháp bảo vệ đôi mắt cũng là lý do tạo nên quầng thâm. Dưới tác động của tia tử ngoại dẫn đến vùng da dưới mắt bị bị thâm quầng.
Càng lớn tuổi thì quầng thâm ở mắt càng xuất hiện rõ ràng hơn do thiếu hụt collagen khiến da giảm độ đàn hồi và dễ bị tổn thương.
Tình trạng thâm quầng mắt kéo dài cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như bệnh viêm mũi dị ứng, bệnh thận, rối loạn nội tiết tố, kinh nguyệt không đều, bệnh gan, thiếu máu,…
Cách khắc phục quầng thâm dưới mắt
Có rất nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau dẫn đến tình trạng xuất hiện quầng thâm mắt ở mọi lứa tuổi. Nhận biết nguyên nhân là cách tốt nhất để có biện pháp khắc phục, giảm thâm mắt hiệu quả. Nếu quầng thâm mắt xuất hiện đến từ nguyên do lão hóa hay đến từ những tác động từ môi trường thì hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng này ngay tại nhà với nhiều biện pháp khác nhau.
Không thức quá khuya và đảm bảo chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc trung bình khoảng 7 – 8 tiếng mỗi ngày đối với người trẻ tuổi. Ngoài ra, cần cung cấp đủ nước cho cơ thể trung bình 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung vitamin và dưỡng chất từ rau củ quả.
Ăn nhiều muối cũng có thể gây ra quầng thâm dưới mắt. Bởi muối có thể làm mất nước trên da và khiến chất lỏng tích tụ khắp cơ thể, bao gồm cả phần dưới mắt. Vậy nên cũng cần hạn chế việc ăn quá mặn để tránh gây quầng thâm.
Hạn chế tiếp xúc ánh nắng, nếu có hãy sử dụng kem chống nắng và các biện pháp che chắn để tránh tiếp xúc trực tiếp với tia gây hại.
Phải tìm hiểu và xác định nguyên nhân gây quầng thâm, từ đó áp dụng cách phù hợp để cải thiện tình trạng. |
Giảm thâm mắt bằng cách cung cấp dưỡng chất cho vùng da mắt bằng mặt nạ dưa leo hoặc cà chua nên đắp mặt nạ cho mắt từ 1 đến 2 lần/ tuần. Dưa leo và cà chua hỗ trợ hạn chế tình trạng thâm mắt rất tốt vì chứa hàm lượng vitamin C và nước rất cao, hiệu quả trong dưỡng ẩm cho da.
Giúp các mao mạch máu khu vực quanh mắt lưu thông tốt hơn và thư giãn các cơ xung quanh mắt bằng cách thường xuyên mát-xa vùng mắt bị thâm, kết hợp với việc dùng nước trà ấm được thấm vào khăn đắp lên vùng mắt.
Khi bị thâm mắt, xuất hiện quầng thâm nên hạn chế tác động mạnh lên vùng da quanh mắt, đặc biệt nên hạn chế tác động tẩy trang quá mạnh lên vùng mắt bị thâm.
Với các biện pháp trên, nếu kiên trì áp dụng thì quầng thâm mắt sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên nhiều trường hợp quầng thâm mắt nặng, kéo dài hoặc do nguyên nhân di truyền, bạn có thể cần can thiệp xử lý bằng phương pháp thẩm mỹ.
Tác giả: NGỌC THANH
Nguồn tin: vtc.vn