Bạn cần biết

Cách cấp cứu đuối nước đúng nhất

Tai nạn đuối nước thường để lại những hậu quả rất đau lòng bởi phần lớn nạn nhân là các em nhỏ. Bên cạnh việc trang bị kỹ năng bơi lội, chúng ta cũng cần biết thêm các kỹ năng khi gặp đuối nước và cả cách cấp cứu những người bị đuối nước.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân đuối nước, nếu xử trí chậm nạn nhân dễ bị thiếu ôxy não, rất khó cứu sống sau đó.

Một số lưu ý quan trọng xử lý đuối nước

Cấp cứu dưới nước: Túm gáy hoặc nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại.

Nhanh chóng quàng tay qua nách, nâng gáy (bằng kiểu bơi ếch ngửa) hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ.

Khi đưa được nạn nhân lên bờ hay lên thuyền phải tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay.

Khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi đường thở và miệng nạn nhân, đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.

Trường hợp nạn nhân ngừng tim (sờ mạch quay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút.

Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp.

Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại.

Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.

Khi gặp trẻ đuối nước người ta thường vác dốc ngược trẻ trên vai, động tác dốc ngược nạn nhân chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng, vì vậy không nên thực hiện ở người lớn và không nên làm quá 1 phút ở trẻ em.

Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em, chiếm 48,8%. Tỷ lệ chết đuối ở trẻ em nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển. 70% trẻ chết đuối và suýt chết đuối ở lứa tuổi dưới 15. Có 53% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao hồ, sông suối, kênh mương không có sự bảo vệ của người lớn.

Tác giả: Kim Thoa

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok