Số hóa

Cách bảo vệ đồng hồ của bạn tránh bị nhiễm từ

Đồng hồ “kỵ” nơi có từ trường mạnh, vì vậy việc tiếp xúc quá gần đối với những thiết bị điện tử có khả năng phát ra từ trường mạnh như máy tính, tủ lạnh sẽ làm đồng hồ bị nhiễm từ trường, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động.

Đối với đồng hồ cơ hoặc đồng hồ chạy pin, từ trường sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hoạt động của thiết bị. Đặc biệt, với một số thiết bị phát ra từ trường cao như lò vi sóng, tivi… cần giữ một khoảng cách nhất định, hạn chế để gần trong thời gian dài.

Cụ thể, với lò vi sóng, khoảng cách hạn chế để gần là 1-1,5m. Với laptop, nên để cách khoảng 50cm khi làm việc trong khoảng thời gian 2-3 giờ. Với các loại tivi đời cũ, bạn nên đặt đồng hồ cách xa gấp 3 lần số inch của tivi. Đối với các loại tivi đời mới, bạn chỉ cần lưu ý không nên đặt đồng hồ ở phía sau là được.

Bạn nên giữ khoảng cách nhất định giữa đồng hồ với các thiết bị điện tử phát ra từ trường để tránh đồng hồ bị nhiễm từ.

Hầu hết các loại đồng hồ có chất lượng tốt đều có khả năng chống lại từ trường thấp hơn 60 Gauss nên hãy để đồng hồ tránh xa hoặc giữ khoảng cách 20 cm trước các thiết bị điện tử có cường độ từ trường cao hơn 60 Gauss (4800 A/m) như loa, tủ lạnh, điện thoại di động, máy quét cơ thể tại sân bay, máy biến áp, máy sấy tóc, chăn điện, máy MRI, bếp từ, máy x-quang…

Khi đồng hồ bị nhiễm từ, người dùng nên kiểm tra và nhanh chóng mang đồng hồ đến trung tâm bảo hành để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết đồng hồ có bị nhiễm từ hay không?

Đồng hồ của bạn vượt quá sai số cho phép thông thường. Tùy thuộc vào từng thương hiệu đồng hồ, từng dòng đồng hồ khác nhau sẽ có mức độ sai số cho phép khác nhau.

+ Thông thường đồng hồ cơ nói chung có mức sai số khoảng (+)(-) 5 đến 20s/ ngày. Đồng hồ Thuỵ Sỹ khoảng (+)(-)5 đến 15s/ ngày, đồng hồ Nhật (+)(-) 15 đến 20s/ ngày.

+ Đồng hồ quartz thì có độ chính xác cao hơn nhiều, sai số (+)(-) trong khoảng 1phút/ năm. Đồng hồ quartz cao cấp thì sai số rất nhỏ, chỉ khoảng (+)(-)10s/ năm.

Cách kiểm tra đồng hồ của bạn có bị nhiễm từ hay không?

Cầm la bàn quơ qua quơ lại trên mặt đồng hồ, nếu thấy kim la bàn dịch chuyển qua lại, tức là đồng hồ đã bị nhiễm từ.

Nguyên nhân do các phần tử trong cỗ máy đồng hồ, ví dụ như dây tóc (hair spring) - bộ phận quyết định đồng hồ chạy nhanh hay chậm bị từ trường làm cho các vòng tóc xoắn lại gần nhau hơn, gây hiệu ứng làm ngắn dây tóc lại sẽ khiến cho đồng hồ chạy nhanh hơn.

Tác giả: Đỗ Huệ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok