* Ngày 23-9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có Công điện số 67/CÐ-T.Ư gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các bộ, ngành yêu cầu thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNÐ để chủ động phòng tránh; theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNÐ trên các phương tiện thông tin. Sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
* Theo Ðài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước trên sông Ðồng Nai ngày 23-9 đã chạm mức báo động (BÐ) 2, đạt 1,8m; dự báo mực nước trên sông Ðồng Nai xuống dưới mức 1,72m vào ngày 24-9 và 1,62m vào ngày 25-9. Tuy nhiên, với lưu lượng nước xả qua đập Trị An cùng với triều cường đang lên cao, một số vùng hạ du sông Ðồng Nai có nguy cơ ngập úng.
* Theo Tổng cục PCTT, hiện đồng bằng sông Cửu Long có gần 400 điểm sạt lở, 150 khu vực bồi lắng trong thời gian từ đầu và cuối mùa lũ, với chiều dài hơn 450 km. Mỗi năm nước cuốn trôi hơn 500 ha đất. Hiện tượng sạt lở ở hai bờ sông Tiền và sông Hậu thường xảy ra nghiêm trọng hơn vào khoảng thời gian đầu và cuối mùa mưa lũ, với quy mô lớn từ vài trăm mét đến hàng ki-lô-mét.
* Toàn tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn sông thuộc diện cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài hơn 165 km. Trong đó, mức độ đặc biệt nguy hiểm tại: Ðoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (Phú Tân); đoạn sông Hậu qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), qua xã Bình Mỹ (Châu Phú) và khu vực sông chảy qua các phường Bình Ðức, Bình Khánh, Mỹ Bình của TP Long Xuyên.
* Triều cường dâng cao đã gây ngập cục bộ tại nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên quốc lộ 1, bị ngập đoạn qua huyện Tam Bình (Vĩnh Long) dài hơn 1,5 km, có nơi nước ngập sâu gần 0,5 m khiến giao thông gặp nhiều khó khăn, nhiều chỗ nước tràn vào nhà dân ven đường.
* Tại TP Cần Thơ, trong hai ngày qua, nhiều tuyến đường nội ô (quận Ninh Kiều, Bình Thủy) đã bị ngập do triều cường; trong đó ngập nặng nhất là đường Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Cao Thắng, Nguyễn Văn Trỗi, khu Trung tâm thương mại Cái Khế...
* Triều cường đạt đỉnh gần 1,6m khiến nhiều khu vực trũng thấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngập sâu trong nước. Nước dâng cao đã làm nhiều phương tiện không thể lưu thông. Tại các tỉnh khác như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, triều cường gây ngập nhiều vườn cây ăn trái và hoa màu của người dân. Theo Ðài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều tại các trạm vùng hạ lưu sông ở miền Tây Nam Bộ đạt mức cao nhất và sẽ kéo dài đến ngày 24-9.
* Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục thiệt hại do bão số 10 và ủng hộ Quỹ Vì người nghèo năm 2017. Tại lễ phát động, kinh phí quyên góp đã đạt hơn 2,2 tỷ đồng.
* Ðến ngày 22-9, Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận cứu trợ, đăng ký cứu trợ của 34 đoàn với tổng số tiền, hàng hơn 17 tỷ đồng và 1.000 tấn xi-măng. Hiện nay, Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Bình đang tích cực phân bổ tiền, hàng cứu trợ kịp thời, giúp người dân sớm ổn định đời sống.
* Ðể giúp người dân các tỉnh miền trung khắc phục hậu quả bão số 10, Công ty Vietcomreal đã trao số tiền 100 triệu đồng chuyển đến tay bà con vùng lũ.
* Công ty CP tôn Ðông Á với sự hỗ trợ của các tỉnh đoàn bắt đầu trao tôn lợp nhà, trị giá hai tỷ đồng cho 500 hộ dân bị thiệt hại nặng trong cơn bão vừa qua.
Phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Ðề án “Ðiều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” nhằm đưa ra bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá. Ðến nay, Bộ đã hoàn thành việc lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại 15 tỉnh miền núi phía bắc gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn; lập bản đồ phân vùng cảnh báo tại bảy tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Ðiện Biên và Sơn La. Cứu ba thuyền viên tàu cá bị ngạt khí ga Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết, lúc 17 giờ 45 phút ngày 23-9, tàu cứu nạn SAR 412 đã kịp thời đưa được ba thuyền viên bị hôn mê do ngạt khí ga hầm lạnh vào Bệnh viện Ðà Nẵng điều trị. Trước đó, sáng cùng ngày, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tân cùng hai thuyền viên Nguyễn Tiến Ðường và Nguyễn Lợi của tàu cá HT96706TS khi đang khai thác hải sản cách Ðà Nẵng khoảng 125 hải lý thì bị ngạt khí ga làm lạnh dưới hầm, bị hôn mê sâu, sùi bọt mép, khó thở, co quắp chân tay, tình trạng nguy kịch. Vietnam MRCC đã khẩn cấp điều động tàu SAR 412 cùng bác sĩ từ Ðà Nẵng đi cứu nạn. Lúc 13 giờ 15 phút, tàu SAR 412 đã tiếp cận được tàu HT96706TS, cấp cứu và khẩn trương đưa ba thuyền viên về đất liền. |
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Nhân dân