Kinh tế

Các thương hiệu quốc tế thay đổi thói quen ăn uống của người Việt

Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn, có xu hướng ăn ngoài khá nhiều, khiến các hàng ăn mọc lên như nấm.

Vài năm gần đây, các thương hiệu quốc tế đã tràn vào thị trường Việt Nam, thay đổi bộ mặt ngành thực phẩm - đồ uống. Họ đưa ra lựa chọn đa dạng cho thực khách và ngày càng mở rộng sản phẩm. Báo cáo gần đây của hãng nghiên cứu Decision Lab đã hé lộ một số thói quen ăn uống khá thú vị của người Việt và chỉ ra bằng cách nào các công ty có thể tận dụng thị trường béo bở này.

Ví dụ, bữa sáng là thời điểm người Việt ăn ngoài nhiều nhất. Bên cạnh đó, họ thích tới các cửa hàng phương Tây theo nhóm đông và trong những dịp đặc biệt. Ngoài ra, địa điểm thuận tiện cũng là lý do hàng đầu khi chọn nhà hàng, trên cả chất lượng và hương vị đồ ăn.

mcdonald 9855 1477798791
Các chuỗi đồ ăn nhanh quốc tế như McDonald's đang đổ về Việt Nam.



Khảo sát cho thấy khoảng 7% các bữa ăn ngoài là tại các cửa hàng phương Tây, như McDonald's, KFC và Burger King. Tuy nhiên, dù hưởng lợi từ thương hiệu nổi tiếng, họ lại gặp phải rất nhiều thách thức. Katrin Roscher, một trong những tác giả của khảo sát nhận xét: "Các cửa hàng phương Tây hấp dẫn các gia đình, nhưng khi cảm giác mới lạ qua đi, họ lại chuộng đồ châu Á hơn".

Bà cho rằng, đó là vì đồ ăn Tây được coi là nhạt hơn đồ châu Á - vốn dùng nhiều gia vị và thảo mộc. Để giải quyết việc này, rất nhiều cửa hàng đã địa phương hóa thực đơn của mình. McDonald's gần đây bắt đầu bán bánh mì. Còn nhiều chuỗi đồ ăn nhanh khác đã đưa cơm vào thực đơn.

"Việc này giúp phá tan rào cản. Thực khách có thể đến đây nhiều lần hơn, ăn cơm, rồi lại thử một chiếc burger", Roscher cho biết.

Công nghệ cũng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy doanh thu ngành thực phẩm. Tại quốc gia mà 9 trên 10 người truy cập Internet qua smartphone và wifi phổ biến ở hầu hết thành phố, đặt hàng online hiện đóng góp nửa số đơn hàng giao đồ ăn. Việc này giúp các công ty có cơ hội mở rộng sự tiếp cận với khách hàng, mà không tốn chi phí cho việc mở cửa hàng mới.

Tuy nhiên, người trẻ Việt khó gây ấn tượng hơn, do việc ăn ngoài phần nào đã trở thành lựa chọn hằng ngày của họ. 73% người tham gia khảo sát trên 35 tuổi hài lòng với trải nghiệm tại các cửa hàng phương Tây. Trong khi đó, tỷ lệ này ở độ tuổi 15 – 34 là 63%.

Nghiên cứu cũng chỉ ra người Việt Nam có xu hướng giới thiệu nhà hàng phương Tây cho người khác, hơn là nhà hàng địa phương. Dù vậy, việc này cũng tùy độ tuổi. Tỷ lệ này tại người lớn tuổi cao gấp đôi so với người trẻ.

Tác giả bài viết: Hà Thu (theo Forbes)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok