Thế giới

Các nước giăng đèn, pháo hoa sẵn sàng đón 2017

Các thành phố lớn trên thế giới từ Sydney tới New York, Moscow, đều đang tất bật với những khâu chuẩn bị cuối cùng cho đêm giao thừa chuyển giao giữa năm cũ 2016 sang năm mới 2017.

Tại Sydney, Australia, một trong những thành phố lớn đầu tiên đón năm mới, những công việc chuẩn bị cuối cùng cho màn pháo hoa đã sẵn sàng. Đạo diễn năm nay vẫn là ông Fortunato Foti, giám đốc công ty pháo hoa Foti. Gia đình ông Foti đã có 7 đời chuyên chế tác pháo hoa và lên ý tưởng cho các màn trình diễn trên Cầu Cảng Sydney, thu hút hàng triệu người xem trực tiếp và qua màn hình. Trong ảnh là thuyền buồm đặt pháo hoa tại Cầu Cảng Sydney. Ảnh: Getty.
Tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, việc chuẩn bị quả cầu pha lê đón năm mới đang được gấp rút tiến hành với chủ đề "Món quà của lòng nhân ái". Chủ đề này tượng trưng cho sự đoàn kết trong năm 2017. Quả cầu đặc biệt được bao phủ bởi 2.688 miếng pha lê hình tam giác, được thiết kế để chịu được gió lớn, mưa và thời tiết lạnh. Ảnh: Reuters.
Chữ số 17 được thắp sáng tại Quảng trường Thời đại trước lễ đón giao thừa năm mới 2017 ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Getty.
Tại thủ đô Moscow của Nga vào thời điểm này, quang cảnh lộng lẫy hơn thường ngày với các con đường rực rỡ trong ánh đèn và hoa. Kỳ nghỉ năm mới của Nga kéo dài khoảng 1 tuần. Trong suốt kỳ nghỉ, ngoài việc tham gia những bữa tiệc cùng gia đình, nhiều người cũng có kế hoạch đi du lịch đến khu vực phía nam hoặc nước khác. Trong ảnh là quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga lung linh trước thềm năm mới. Ảnh: Getty.
Không khí đón năm mới 2017 cũng tràn ngập khắp đường phố ở Lagos, Nigeria. Ảnh: Getty.
Trong khi Mỹ, Australia đón năm mới với bầu không khí lễ hội, lễ đón năm mới tại Nhật Bản sẽ diễn ra lặng lẽ hơn. Tại Tokyo, sẽ không có những sự kiện ồn ào, bởi năm mới, hay “oshogatsu”, là dịp dành cho gia đình và người thân. Hầu hết người Nhật sẽ ở nhà. Trong ảnh là những con gà được làm bằng "bóng kén" ở Morioka, được dùng để trang trí nhân dịp đón năm mới Đinh Dậu ở Nhật Bản. Ảnh: Getty.
Sản xuất "bóng kén" là truyền thống trang trí năm mới ở xứ sở hoa anh đào. Người Nhật thường trang trí miếu nhà bằng những quả bóng kén nhiều màu sắc rực rỡ để cầu sức khỏe, an lành. Ảnh: Getty.
Các thùng rượu Sake để tặng được bày bán trong dịp năm mới ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Theo thông lệ, người dân New York ngày 28/12 đến Quảng trường Thời Đại để tham gia "Ngày vứt bỏ những điều phiền muộn". Ai có điều gì không hài lòng trong năm 2016 có thể viết chúng ra giấy rồi bỏ vào thùng. Những thùng giấy này sau đó sẽ được chuyển lên xe rác chuyên dụng đem đi tiêu hủy. Người phụ nữ trong ảnh đang bỏ vào thùng tờ giấy có chữ "bị trả công thấp" và "bị đánh giá thấp". Ảnh: Reuters.
Người dân ở Skopje, Macedonia chụp ảnh lưu lại những thời khắc cuối cùng của năm 2016. Ảnh: Reuters.
Để đón chào năm mới, Ecuador có phong tục đánh và đốt bù nhìn rơm, hình nộm giấy trong đêm giao thừa. Nhiều người Ecuador tin đốt cháy bù nhìn là đốt cháy tất cả những điều xấu đã xảy ra với họ trong năm cũ, chỉ những điều tốt đẹp còn lại trong năm mới. Thời gian này là lúc các hình nộm được bày bán nhộn nhịp trên đường phố. Ảnh: Reuters.
Trong khi nhiều nơi trên thế giới tất bật chuẩn bị chào năm mới, người Palesitine sẽ trải qua giao thừa trong bối cảnh căng thẳng với Israel vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu kể từ tháng 10/2015. Người Palestine hầu như không tổ chức ăn mừng năm mới do hoạt động này bị tổ chức Hồi giáo cực đoan Hamas cấm. Trong ảnh, một thanh niên Palestine đang tạo hình con số 2017 trên bãi biển ở dải Gaza vào những ngày cuối cùng của năm 2016. Ảnh: Getty.

Tác giả bài viết: An An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok