|
Tròn 10 năm tuổi, iPhone chứng tỏ được mình là một trong những sản phẩm công nghệ tiêu dùng hàng đầu trên thế giới. Với khả năng linh hoạt, dễ sử dụng, thiết bị này đã thúc đẩy thời kỳ bùng nổ của smartphone, mở ra toàn bộ ngành công nghiệp phần mềm chỉ trong vài năm, đồng thời làm biến mất các thiết bị đơn chức năng như máy ảnh cầm tay, định vị GPS hay máy nghe nhạc MP3 trên thị trường đại chúng.
Bên cạnh những lợi ích mà iPhone mang lại, cũng đã nảy sinh một số vấn đề tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống ngày nay. Mức độ nghiện smartphone trong thời đại mới khiến nhiều nhà nghiên cứu lo lắng. Một trong số những người quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, trớ trêu thay lại chính là những nhân vật tham gia chế tạo chiếc iPhone đầu tiên.
Trong buổi tọa đàm diễn ra hôm 28/6, được chủ trì bởi Brian Merchant, phóng viên kiêm tác giả quyển sách “One Device”, các cựu nhân viên của Apple gồm Bas Ording, Brian Huppi và Greg Christie đã thảo luận về sự phát triển của iPhone, và những tác động của nó đối với xã hội. Phần lớn nội dung buổi trò chuyện nói về những ngày đầu tiên của dự án iPhone, khi mà họ đã hình dung ra được đây phải là sản phẩm mang thiết kế đột phá và sáng tạo, với màn hình cảm ứng được cải tiến.
Trong phần hỏi đáp, khi được yêu cầu nêu suy nghĩ về những ảnh hưởng của smartphone đến thế giới ngày nay, Christie, người đứng đầu nhóm thiết kế giao diện giữa người và máy, đồng thời giám sát các bản thử nghiệm cảm ứng đa điểm cho rằng: “Tận cùng của những ảnh hưởng này sẽ là tích cực hay tiêu cực, tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa thể biết được. Tuy nhiên, việc lạm dụng smartphone ngày nay là hậu quả mà không ai trong chúng tôi ban đầu nghĩ đến”.
|
Theo một nghiên cứu năm 2017 của GfK Global, 1/3 dân số trên thế giới bị lệ thuộc vào công nghệ, dù tất cả đều ý thức được rằng du lịch hay hoạt động ngoài giờ thì tốt cho sức khỏe hơn. Điều này phần nào càng làm củng cố hơn những quan ngại của Christie.
Christie chia sẻ thêm, mỗi lần ăn tối cùng gia đình, ông luôn thấy những người bàn bên cạnh cầm smartphone sau khi ăn: “Tôi nghĩ việc lạm dụng smartphone được kết hợp bởi nhiều yếu tố. Tính gọn nhẹ, dễ mang theo, dễ sử dụng hơn bất kỳ sản phẩm công nghệ kỹ thuật số nào trước đây, đa chức năng, hỗ trợ con người nhiều vấn đề trong cuộc sống khiến chúng ta khó mà rời xa chúng".
Đồng cảm nhận, Ording, chuyên gia giao diện người dùng, người tiên phong đưa cảm ứng đa điểm lên iPhone cho hay: “Mặt tốt là nó dễ tiếp cận, nên rất nhiều người có thể sử dụng. Mặt xấu là có quá nhiều người đang cúi mặt vào điện thoại. Trong số đó chắc cũng có tôi”.
Huppi, một trong những kỹ sư thiết kế màn hình cảm ứng iPhone đời đầu trích lại một câu nói trong quyển sách của Merchant: “Công nghệ luôn trung lập về đạo đức. Bất cứ thứ gì tương tự như smartphone cũng không thể tránh khỏi áp đặt những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của nó lên người dùng".
iPhone từ khi ra đời đến nay chưa bao giờ đánh mất vị thế quan trọng trong làng di động. Ảnh: Cultofmac. |
Huppi chia sẻ tiếp: “Hiển nhiên tôi chẳng vui vẻ gì khi chúng ta đánh mất phương hướng trong cuộc sống, đặc biệt khi có quá nhiều tai nạn giao thông ngày nay diễn ra chỉ vì người ta mải chú tâm vào chiếc điện thoại”. Tuy nhiên, ông tin tưởng con người sẽ mất một thời gian để chấp nhận chiếc smartphone hiện đại, có thể là 10 năm từ bây giờ. “Tôi tự hỏi liệu nó có giống TV trong lần đầu ra mắt không. Nhưng có lẽ cuối cùng smartphone cũng sẽ tìm ra chỗ đứng trong đời sống con người, chứ không phải trở thành món đồ mà ai cũng say mê", Huppie kết luận.
Trong khi đó, Christie tin rằng giai đoạn chuyển tiếp sẽ đến: “Những vấn đề này bao giờ cũng xảy ra khi có một bước tiến công nghệ mới, dù bạn đang nói về sự xuất hiện của radio, TV hay là Internet. Con người dù là cá nhân hay tập thể cũng đều phải học cách điều chỉnh thái độ đối với những thực tại mới, bởi vì công nghệ thay đổi nhanh hơn con người”, ông nhận định.