Kinh tế

Các làng nghề truyền thống chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên Đán

Mặc dù còn khoảng 3 tháng nữa mới tới Tết cổ truyền dân tộc, thế nhưng tại các làng nghề truyền thống, nhiều hộ gia đình đã chuẩn bị cây trồng, nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa cung cấp cho nhu cầu thị trường vào dịp tết Nguyên Đán.

Làng nghề hoa cây cảnh Trung Mỹ, xã Hưng Đông, một trong những địa chỉ cung cấp hoa thường xuyên cho các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Vinh. Vào thời điểm này trong năm, các nhà vườn đã trồng cây hoa để cung cấp cho thị trường hoa Tết. Thế nhưng vừa qua, do ảnh hưởng của những trận mưa lớn, nhiều nhà vườn đã phải chờ ráo đất mới có thể trồng các loại hoa như: cúc nhiều màu, cúc vạn thọ, hướng dương,… Thậm chí nhiều hộ đã phải trồng lại đến lần thứ 2.

Ông Trần Văn Liên – người trồng hoa tại Làng nghề hoa cây cảnh Trung Mỹ, xã Hưng Đông cho biết: “Đối với những loại hoa ngắn ngày như hoa cúc, lay ơn thì cũng chịu ảnh hưởng. Năm nay nếu làm các loại hoa đó thì phải tích cực chăm bón thì mới kịp Tết.”

Những người trồng hoa Tết chịu ảnh hưởng từ những đợt mưa bão.

Thị trường Tết Nguyên Đán, ngoài hoa tươi thì không thể thiếu mùi thơm phảng phất của hương trầm vào những ngày cuối năm và đầu năm mới. Hương trầm Quỳ Châu - một trong những sản phẩm nổi tiếng gần xa không chỉ mang lại danh tiếng cho vùng đất miền núi của tỉnh mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Toàn huyện có 250 hộ làm nghề sản xuất hương, giải quyết việc làm cho hơn 900 lao động, doanh thu hàng năm trên 20 tỷ đồng. Những ngày này, tại các cơ sở sản xuất hương trầm, người dân đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu, chu hương, giấy cuộn để cho ra những bó hương mang đậm hương vị Tết.
Người dân Quỳ Châu bắt đầu sản xuất hương trầm phục vụ Tết.

Đi qua làng hoa ven đô, tìm về miền núi Quỳ Châu để cùng người dân cuộn những cây hương trầm nức tiếng, chúng ta không thể không đến với những người đang sống nhờ vào sự hào phóng của biển. Một giọt nước mắm thành phẩm là công sức mà người dân làng nghề nước mắm phải chắt chiu từ 1 đến 3 năm mới có được. Dù biển có ồn ào thì những người dân làng nghề nước mắm cổ truyền vẫn lặng lẽ duy trì truyền thống bao đời nay, đặc biệt là chưng cất những sản phẩm nước mắm phục vụ cho khách hàng vào dịp Tết Nguyên Đán.

Trước những khó khăn sau sự cố ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim – chủ một cơ sở sản xuất Làng nghề nước mắm Hải Giang 1, Thị xã Cửa Lò khẳng định: “Tôi vẫn tự tin rằng làng nghề nước mắm tự tin phát triển bình thường. Khách hàng người ta đã ăn nước mắm cổ truyền rồi thì người ta vẫn tiếp tục dùng. Hiện nay chúng tôi còn 20.000 lít nước mắm phục vụ Tết Nguyên Đán.”

Bà Nguyễn Thị Kim theo dõi, kiểm tra chất lượng nước mắm.
Những sản phẩm nước mắm đóng chai đã sẵn sàng phuc vụ người dân dịp Tết Nguyên Đán.

Thời tiết xấu ảnh hưởng tới cây hoa, thông tin tiêu cực gây hoang mang cho người sản xuất nước mắm. Thế nhưng, với mong muốn giữ vẹn nguyên màu sắc, hương vị cho Tết cổ truyền, những người dân ở các làng nghề truyền thống vẫn yêu nghề, chăm nghề để tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ cho người tiêu dùng vào dịp Tết sắp tới.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok