Số hóa

Các dịch vụ truyền hình tại Việt Nam?

Kể từ ngày 16/8/2016, tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ các đài truyền hình chính thức ngừng phát sóng truyền hình "ăngten" để chuyển sang truyền hình kỹ thuật số mặt đất theo lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất tại Việt Nam.

Đã hơn một tháng kể từ thời điểm đó, nhiều gia đình vẫn chưa hết lăn tăn trong việc lựa chọn và sử dụng công nghệ truyền hình mới để thay thế. Dịch vụ cung cấp truyền hình hiện nay được chia làm 3 dạng gồm: Truyền hình tương tự, Truyền hình kỹ thuật số, truyền hình internet và có khá nhiều nhà cung cấp như: K+, VTVcab, SCTVcab, An Viên, FPT, Vinaphone, Viettel, BTS / HTVC (Truyền hình cáp Hà Nội), VCTV, VTC,…


Sau đây là một vài thông tin cơ bản về các dịch vụ truyền hình đang có mặt trên thị trường mà người dùng có thể tham khảo để lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình:

1) Truyền hình tương tự (Analog)

Truyền hình tương tự hay còn gọi là truyền hình Analog, truyền hình ăngten là công nghệ vốn được sử dụng tại Việt Nam từ hơn 20 năm nay và được coi là nền móng của ngành truyền hình. Công nghệ này được gọi tên dựa trên "cơ chế" hoạt động của nó, cụ thể là Đài truyền hình phát sóng (hình ảnh và âm thanh) và các tivi, các máy thu hình sẽ sử dụng ăng ten thu tín hiệu sóng này để có hình ảnh và âm thanh tương tự như tín hiệu gốc từ đài truyền hình.

Công nghệ truyền hình này có nhược điểm là chất lượng không ổn định, dễ bị nhiễu sóng khi thời tiết thay đổi, nhiễu, số lượng kênh hạn chế, bị hạn chế bởi không gian, vật cản hoặc các loại sóng khác… Trước sự đổi thay và phát triển của thời đại, công nghệ truyền hình này đã trở nên cũ kỹ, không đáp ứng được chất lượng cũng như nhu cầu về sử dụng và công nghệ mới được nhà nước lựa chọn để thay thế là truyền hình kĩ thuật số mặt đất (DVB-T2).

2) Truyền hình số (Digital)

Truyền hình kỹ thuật số có 3 loại là: truyền hình số mặt đất (DVB-T2), truyền hình số hữu tuyến (DVB-C2), truyền hình số vệ tinh (DVB-S2). Trong đó truyền hình số mặt đất (DVB-T2) là công nghệ đã được lựa chọn để thay thế công nghệ Analog cũ. Về cơ bản công nghệ số sẽ số hóa tín hiệu truyền hình từ nhà Đài (mã hóa dưới dạng nhị phân) trước khi truyền đi, các máy thu hình muốn bắt được sóng phải nhờ đến các thiết bị hỗ trợ. Các thiết bị này thường được cung cấp từ chính những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình mà bạn lựa chọn. Các dịch vụ truyền hình số, truyền hình Internet đều phải sử dụng thiết bị giải mã tín hiệu hay còn gọi là Set-top-box, còn với truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất thì ngoài Set-top-box còn cần thêm chảo thu sóng hoặc ăng ten…

Ưu điểm của công nghệ truyền hình số là khả năng mang đến nhiều kênh truyền hình với chất lượng âm thanh và hình ảnh tốt hơn, độ phủ sóng rộng hơn và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, hạ tầng hơn so với công nghệ Analog.

2.1) Truyền hình số mặt đất (DVB-T2)

Truyền hình số mặt đất là truyền hình sử dụng phương thức phát sóng mặt đất, tín hiệu được nhà đài số hóa trước khi phát ra, phía người dùng dùng angten và bộ giải mã để thu nhận sử dụng. Hiện tại, những gia đình sử dụng tivi đời cũ (sản xuất trước năm 2014) cần mua thêm đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB - T2 để giải mã tín hiệu. Còn những mẫu TV (từ 32 inch trở lên) mới trên thị trường từ sau năm 2014 thì không cần trang bị thêm vì đã được tích hợp sẵn đầu thu chuẩn này ở bên trong rồi.

Theo nhân viên bán hàng tại điện tử Ngọc Sơn - một đơn vị chuyên bán đầu thu thì thị trường có nhiều mẫu đầu thu và có giá dao động từ 500 – 1 triệu đồng. Trong đó mẫu DVB-T2 model GBSHD T252 có giá khoảng 900 nghìn đồng được tư vấn là có chất lượng tốt nhất, những mẫu rẻ hơn có chất lượng kém hơn.

Sau khi chuyển đổi truyền hình số mặt đất có thể xem vài chục kênh chương trình miễn phí của Đài THVN, đài địa phương và các kênh không khóa mã, tức là vẫn có thể xem các kênh chương trình như trước đây nhưng hình ảnh sẽ sắc nét, âm thanh sẽ sống động hơn. Bên cạnh đó nếu có nhu cầu xem nhiều kênh đặc sắc, nội dung đa dạng, chất lượng hình ảnh tốt hơn (đã khóa mã) thì người dùng có thể đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền với nhà cung cấp.

2.2) Truyền hình số hữu tuyến (DVB-C2) - Truyền hình cáp (cable)

- Truyền hình số hữu tuyến (DVB-C2) hay còn gọi là truyền hình cáp là dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng cáp quang hoặc cáp đồng trục để truyền tín hiệu nên gần như không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như thời tiết hay môi trường âm thanh xung quanh, hình ảnh rõ nét, âm thanh tốt, hỗ trợ nhiều kênh. Cáp tín hiệu sẽ phải kết nối qua Set-top-box (DVB-C2) trước khi đến tivi. Đối với gia đình sử dụng nhiều tivi, tín hiệu truyền hình này có thể được chia ra để sử dụng nhưng chất lượng hình ảnh sẽ bị giảm đi.

Nhược điểm: do sử dụng cáp nên vùng sâu vùng xa khó áp dụng. Bên cạnh đó một số kênh nước ngoài đôi khi bị ảnh hưởng do được truyền dẫn từ vệ tinh xuống các nhà đài mà quá trình nhận tín hiệu vệ tinh có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Những năm gần đây loại truyền hình này phát triển khá mạnh, các nhà cung cấp nổi bật gồm VTVcab (Truyền hình cáp Việt Nam), SCTV (Truyền hình cáp Saigontourist), HCATV (Truyền hình cáp Hà Nội), HTVC (Truyền hình cáp thành phố Hồ Chí Minh), THVLC (Truyền hình cáp Vĩnh Long)...

2.3) Truyền hình số vệ tinh (DVB-S2).

Tín hiệu số được phát lên vệ tinh và vệ tinh phát trở lại mặt đất. Đầu thu sẽ sử dụng ăng ten Parabol để thu tín hiệu này và chuyển qua đầu giải mã để chuyển hóa thành hình ảnh và âm thanh. Công nghệ truyền hình số vệ tinh hiện nay sử dụng đầu thu chuẩn DVB-S2 sẽ cho hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động. Đây là dịch vụ truyền hình khá cao cấp do chi phí đầu tư lớn hơn so với các dịch vụ truyền hình bên trên. Bù lại ưu điểm là vùng phủ sóng rộng, không phụ thuộc vào địa hình, chất lượng hình ảnh và âm thanh ổn định, đồng đều.

Nhược điểm: bên cạnh chi phí đầu tư lớn, việc lắp đặt cũng phức tạp hơn, cần phải lắp chảo parabol quay hướng nhất định. Đầu thu DVB-S2 bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Cước sử dụng khá cao.

Hiện nay tại Việt Nam có 4 đơn vị đang khai thác sử dụng công nghệ truyền hình kỹ thuật số vệ tinh là Truyền hình An Viên, truyền hình VTC, truyền hình K+ và truyền hình HTV. Tất cả đều đang sử dụng băng tần của vệ tinh Vinasat của Việt Nam.

Theo đánh giá của nhiều người dùng, K+ là dịch vụ truyền hình số vệ tinh hay nhất, có nhiều nội dung mới, hấp dẫn như những bộ phim truyền hình dài tập, những chương trình giải trí truyền hình mới như: UK X-Factor, America's Got Talent,… bên cạnh đó là các chương trình thể thao đặc sắc được mua bản quyền như: giải bóng đá ngoại hạng Anh, các giải tennis, golf…

Giá thuê bao 95.000 đồng/tháng (gói Access+) và 230.000 đồng/tháng (gói Premium+)…

3) Truyền hình internet (IPTV)

- Truyền hình internet: là loại truyền hình thế hệ mới sử dụng đường truyền internet để truyền tải các chương trình truyền hình. Để sử dụng dịch vụ này, người dùng cần đăng ký với nhà cung cấp và sử dụng đầu giải mã để chuyển tín hiệu từ đường truyền internet qua tivi. Hiện nay chất lượng đường truyền internet với tốc độ khá cao nên đủ đáp ứng sử dụng dịch vụ này.

Một số dịch vụ nổi bật trên thị trường đang có như: MyTV (do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cung cấp), NetTV (do Viettel cung cấp), OneTV (do FPT cung cấp), VTVnet (truyền hình cáp Việt Nam)…

Tác giả bài viết: Nhật Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok