Giáo dục

Các đại học y giữ nguyên chương trình đào tạo 6 năm

Thứ trưởng Y tế Lê Quang Cường khẳng định y là ngành đặc thù, sẽ không có thay đổi nào về chương trình đào tạo và bằng 6 năm tương đương với trình độ thạc sĩ.

Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được Thủ tướng phê duyệt, thời gian đào tạo đại học sẽ rút ngắn từ 4-6 năm xuống 3-5 năm. Vậy với đại học y có nhiều khoa đào tạo tới 6 năm, việc rút ngắn sẽ được xem xét thế nào?

Ngày 9/11, trả lời VnExpress, Thứ trưởng Y tế Lê Quang Cường khẳng định, khối trường y không thay đổi về khung chương trình đào tạo, vẫn giữ nguyên 6 năm với ngành bác sĩ.

Ông Cường cho rằng, đào tạo y khoa là đặc thù. Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, bằng 6 năm của trường y tương đương với trình độ thạc sĩ của các ngành khác. Lương khởi điểm của sinh viên y khoa ra trường do đó sẽ tương đương với trình độ thạc sĩ chứ không phải cử nhân như trước nay.

Các sinh viên trường y vẫn sẽ học 6 năm để trở thành bác sĩ, không có sự thay đổi theo khung cơ cấu giáo dục mới.

Thứ trưởng Y tế cho biết thêm, sinh viên hoàn thành chương trình 6 năm của trường y sẽ thành bác sĩ y học, có kiến thức y học phổ quát, chưa được hành nghề. Đội ngũ này phải thực tập tiền lâm sàng ở bệnh viện, dưới sự giám sát của các bác sĩ trong 18 tháng (tiến tới 2 năm) mới được phép hành nghề trong phạm vi đa khoa. Muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ phải học thêm tối thiểu 3 năm nữa.

"Bộ Y tế rất quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Thời gian tới Bộ sẽ siết chặt hơn việc cấp chứng nhận hành nghề, thay vì cứ học xong là có giấy phép thì Bộ đang đề xuất thi tay nghề", ông Cường nói.



Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Đồ họa: Tiến Thành - Xuân Hoa

Lãnh đạo các đại học Y Hà Nội, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y dược Thái Bình, Y dược Hải Phòng cũng xác nhận không có sự thay đổi nào về khung chương trình đào tạo, sau khi Chính phủ phê duyệt cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới.

Hiệu phó Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ông Phan Đăng Diệu cho rằng việc đào tạo ngành y đa khoa không thể áp dụng theo khung 3-5 năm mà cần khung riêng. Hội đồng Hiệu trưởng các trường y đang đề xuất để đáp ứng hội nhập quốc tế, việc đào tạo bác sĩ nên theo mô hình mới là (4+2) + 3, nghĩa là 4 năm đầu tương đương với cử nhân, 2 năm sau tương đương thạc sĩ. Khi tốt nghiệp chương trình 6 năm, người học sẽ nhận bằng bác sĩ y khoa.

PGS.TS Diệu cho biết thêm các trường đang đề xuất để bác sĩ sau khi tốt nghiệp nếu đi theo hệ thực hành sẽ tiếp tục học thêm 3 năm và trở thành bác sĩ chuyên khoa cấp 1.

Tác giả bài viết: Quỳnh Trang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok