Thương lái Trung Quốc lại khiến không ít người nuôi cá tra lao đao
TS Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra VN (VINAPA), nhận xét từ đầu năm 2016 đến nay kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh trong bối cảnh ngành cá tra gặp nhiều khó khăn về đầu ra là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, làm ăn với Trung Quốc thì không phải là chuyện đơn giản, và thực tế nhiều người nuôi cá tra đang chết đứng với “bẫy” thương lái Trung Quốc vừa giăng ra.
Bán lỗ cũng không ai mua
Theo giới kinh doanh cá tra, Trung Quốc xuất hiện đúng lúc ngành này gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp (DN) tranh nhau tận dụng để đẩy hàng đi càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Do chủ yếu buôn bán theo đường tiểu ngạch nên chất lượng và giá cả rất bấp bênh. Hồi đầu năm giá cá đã được đẩy lên 22.000 - 23.000 đồng/kg, kích cỡ nào cũng mua. Các DN chế biến cá tra ở ĐBSCL cho biết thương lái Trung Quốc còn sang VN thuê các cơ sở chế biến nhỏ lẻ thu mua cá tra kích cỡ lớn, sơ chế mang về nước. Chính vì vậy, nhiều bà con tăng nuôi để bán cho Trung Quốc. Nhưng đúng như kịch bản với nhiều nông sản khác, đến thời điểm thu hoạch, họ ngưng mua, cá quá kích cỡ không thể chế biến cho các thị trường khác, nhiều bà con nông dân “chết đứng”.
“Tiêu hết rồi. Cá giờ quá lứa bán chẳng ai mua. Đã hơn 20 ngày nay rồi”, ông Nguyễn Hữu Nguyên ở H.Châu Phú (An Giang) mở đầu câu chuyện. Là một trong những người đầu tiên ở ĐBSCL gắn bó với con cá tra từ cái thời còn nuôi cá ba sa trên lồng bè, ông Nguyên cho biết cá đúng size (kích cỡ) xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ chỉ từ 700 - 900 gr. Nhưng giờ cá đã lên đến 1,3 - 1,4 kg vẫn không tìm ra người mua. Số lượng cá tồn trong ao ước khoảng hơn 200 tấn. Cả tháng ở địa phương chỉ có 2 hộ bán được cá với mức giá rất thấp. Nếu so với giá thành sản xuất 20.000 - 21.000 đồng/kg, tính ra người nuôi lỗ ít nhất 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nhưng bán được, cắt lỗ còn hơn không có người mua vì không bán được vẫn phải cho ăn nếu không sẽ hao hụt. Cá càng lớn tỷ lệ thức ăn càng cao nên càng để lâu càng lỗ nặng. Khoảng 2 tháng trước, thương lái họ còn mua cá size lớn từ 1,8 - 2 kg để chế biến xuất sang Trung Quốc. Nay người ta không ai mua nữa thì mình biết là Trung Quốc “nghỉ ăn”.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã phải lên tiếng cầu cứu về tình trạng này với Chính phủ và các bộ ngành. Theo VASEP, nhiều DN Trung Quốc đặt hàng thu mua cá tra với size cỡ lớn nên đã dẫn đến tình trạng tăng nguồn cung cá tra cỡ lớn tại ĐBSCL. Điều này đã tác động tiêu cực đến giá cả và chất lượng cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong thời gian gần đây. Còn báo cáo của Bộ NN-PTNT thừa nhận cá tra quá lứa nằm trong ao không có người mua do thị trường Trung Quốc giảm mua, chỉ bán được ở mức giá 16.000 - 17.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng.
Đừng chạy theo phong trào nữa !
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, nói: “Làm ăn với Trung Quốc chủ yếu thương mại tiểu ngạch nên rủi ro là không tránh khỏi. Về mặt khách quan, Trung Quốc là một thị trường dễ tính với nhiều nhu cầu khác nhau. Đây là cơ hội tốt nhưng cảnh giác là không bao giờ thừa. Khi Trung Quốc bắt đầu tăng mua đã có nhiều người lên tiếng cảnh báo nhưng một lần nữa chúng ta lại không tránh được thất bại”.
Theo TS Võ Hùng Dũng, trước đây những sản phẩm quá kích cỡ, không xuất đi các thị trường khác được thì Trung Quốc mua. Nay họ giảm mua thì chúng ta không bán được hàng cho ai. “Tình hình chung của DN và nông dân VN là cứ thấy có người mua là ồ ạt sản xuất để bán mà không am hiểu thị trường. Để tránh những tình trạng này bà con nông dân đừng chạy theo phong trào nữa, hãy nuôi khi có hợp đồng với DN. Còn thị trường Trung Quốc thì lúc nào cũng rủi ro”, ông Dũng khuyến cáo.
“Có thị trường xuất khẩu là điều đáng mừng. Nhưng nếu chúng ta cứ hy vọng vào sự tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là theo đường tiểu ngạch, thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự làm giảm thêm uy tín của con cá tra VN, khiến thị trường cá tra VN càng thêm rối loạn chất lượng và càng khó xuất khẩu đi các thị trường truyền thống”, một DN, đề nghị không nêu tên, bức xúc.
Đầu ra khó khăn, sản lượng vẫn tăng |
Tác giả bài viết: Chí Nhân