Sophie Elise, 24 tuổi, đến từ Na Uy, là một nữ ca sĩ kiêm blogger nổi tiếng với tài khoản Instagram lên đến 420k người theo dõi, điều này đủ chứng tỏ sức ảnh hưởng của cô nàng với công chúng là rất lớn. Gần đây, Sophie khiến mọi người bất ngờ khi công khai chia sẻ sự hối hận vì từng phẫu thuật nâng mông.
Sophie Elise từng đi bơm mông năm 19 tuổi.
Được biết, vào năm 19 tuổi, Sophie đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để bơm mông với chi phí rẻ. Năm năm trôi qua, nữ ca sĩ cảm thấy cơ thể của mình bắt đầu có phản ứng xấu do tác dụng phụ của việc bơm mông, sức khoẻ có dấu hiệu sa sút. Không chỉ vậy, cô còn cảm thấy vòng 3 quá to so với vóc dáng cơ thể, không cân xứng, khiến cô trông sồ sề và già nua so với bạn bè cùng trang lứa.
“Ngày trước, khi đi bơm mông, tôi không chú ý tới chuyện phải làm nó trông thật cân đối, mà chỉ mong nó thật to, nên giờ trông cặp mông của tôi giống như mấy cô U50. Tôi cảm thấy buồn vì vòng 3 của tôi trông rất giả”, Sofia chia sẻ.
Sophie cũng đã từng đi nâng ngực để có vẻ ngoài quyến rũ hơn.
Khi đã trưởng thành, Sophie nhận ra muốn tồn tại lâu dài theo thời gian cần chung sống với những gì tự nhiên nhất. Vì vậy, nữ ca sĩ 24 tuổi quyết định tiến hành phẫu thuật thu nhỏ vòng 3. Ngoài ra, Sophie cũng từng nâng ngực nên lần này cô cũng tháo bỏ túi ngực để trở về vóc dáng nguyên bản.
Hiện tại, Sophie cảm thấy rất hài lòng sau khi phẫu thuật thu nhỏ vòng 3 và bỏ túi ngực. Từ những trải nghiệm của mình, cô gái đưa ra lời cảnh báo cho mọi người về việc phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ sẽ không mang đến hiệu quả lâu bền mà sẽ để lại tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và vẻ đẹp chân thực.
Sophie cũng tự trách bản thân vì trong quá khứ từng nhiều lần kêu gọi mọi người đi phẫu thuật thẩm mỹ, cô chân thành gửi lời xin lỗi và mong những người hâm mộ hiểu rõ bản thân mình thật sự muốn gì.
Rủi ro đến từ phẫu thuật bơm mông?
Vật liệu độn bằng silicon đã được sử dụng để nâng mông lần đầu tiên năm 1961. Tuy nhiên, phẫu thuật nâng mông bằng túi silicon được cho là có tỷ lệ biến chứng cao, lên tới 38,1%.
Trong một nghiên cứu đa trung tâm, các biến chứng khi phẫu thuật "nâng cấp" vòng ba gồm có tụ dịch mạn tính cần phải hút hoặc dẫn lưu thường xuyên, tụ máu, nhiễm trùng nhẹ không cần lấy bỏ túi độn, nhiễm trùng nặng phải tháo túi, hở vết thương, đau kéo dài, đau mãn tính, có ảnh hưởng lên thần kinh tọa, túi hai bên không cân đối, túi không ở đúng vị trí, sờ thấy túi, bao xơ co thắt (ít), cần phẫu thuật lại,...
Từ số liệu trên, ta có thể thấy cứ 10 ca độn mông sẽ 3-4 ca gặp vấn đề, một tỷ lệ khá cao so với các hình thức thẩm mỹ khác. Trong khi đó chi phí thực hiện khá cao, việc sửa lại tốn kém.Túi độn tại vòng ba thường xuyên chịu áp lực do việc ngồi đè khiến chúng bị lệch. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người phải phẫu thuật lại.
Để hạn chế những biến chứng của phẫu thuật độn mông, nên thăm khám tại những nơi uy tín và lựa chọn loại túi độn phù hợp, thực hiện xét nghiệm kỹ, tình trạng sức khỏe tốt khi tiến hành phẫu thuật.
Tác giả: An An
Nguồn tin: Báo VietNamNet