Ngày 26-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm 2023 là năm thứ 15 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và Bộ Công Thương đồng chủ trì.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, ngày 25-3-2023), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 298.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng).
TP Hà Nội tổ chức chương trình hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất |
Tuy sản lượng điện tiết kiệm được trong 1 giờ hưởng ứng Giờ Trái đất không nhiều (trung bình khoảng 400.000 kWh/năm) nhưng EVN cho rằng ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở con số này, mà còn là sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh Giờ Trái đất là sự kiện môi trường có ý nghĩa, có sức lan toả nhất từ trước đến nay, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng về lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững, hướng tới một tương lai xanh, một Việt Nam xanh.
Theo ông Đặng Hoàng An, thông điệp của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 là "Tiết kiệm điện - Thành thói quen". Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 nhằm thực hiện Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
"Bằng thông điệp này, chúng tôi mong muốn tất cả người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trên toàn quốc hãy chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26"- Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Tại Hà Nội, thành phố vận động người dân hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 trên địa bàn thành phố bằng cách tham gia sự kiện tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 25-3.
Bên cạnh đó là các hoạt động bên lề như tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo và các thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ tại các địa điểm nổi tiếng, một số khu vực công cộng, tuyến phố của TP Hà Nội, như: Đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - Cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ; xung quanh các khu vực Hồ Gươm, Nhà Hát Lớn Hà Nội, Hồ Trúc Bạch; Trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; Trụ trở các Sở, ban, ngành thành phố...
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động