Trong nước

Cả nước còn 4 huyện nguy cơ lây nhiễm cao, tiếp tục cách ly xã hội

Các huyện Mê Linh, Thường Tín của TP Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh thuộc nhóm nguy cơ cao tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16, cách ly xã hội.

VPCP vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 20 và 22/4.

Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh

Hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, nhất là Hà Nội, TP.HCM

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý vẫn phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không thoả mãn, lơ là, chủ quan; cần quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, xâm nhập, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch kịp thời; bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân, không được để đại dịch gây hậu quả nghiêm trọng như đã và đang xảy ra tại một số nước trên thế giới.

"Trong khi chưa có vắc xin và thuốc đặc trị Covid-19, phải thích nghi “chung sống” với dịch bệnh, tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh", Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao; vận động người dân thường xuyên rửa tay sát khuẩn, tạo thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tại nơi công cộng, kể cả trên phương tiện giao thông công cộng.

Hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng, nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Người có dấu hiệu ốm sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, trường học, nơi công cộng, phải liên hệ với bệnh viện, bác sĩ để được tư vấn và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.

Từ ngày 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh, thành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tỉnh, thành có nguy cơ cao, địa bàn có nguy cơ cao gồm: huyện Mê Linh, Thường Tín của TP Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

Khử khuẩn tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội), nơi bệnh nhân số 266 cư trú. Ảnh: Trần Thường

Chủ tịch UBND tỉnh, thành liên quan xác định phạm vi khu vực nguy cơ cao và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

Tỉnh, thành có nguy cơ là các quận huyện còn lại của Hà Nội. Các tỉnh, thành còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thôn, bản, khu vực dân cư của địa phương mình để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Đồng thời hướng dẫn thực hiện chi tiết biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo quốc gia và các quy định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương.

Cùng với đó kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường học trên địa bàn.

Cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam về nước

Bộ Y tế đẩy mạnh Chương trình hướng dẫn cộng đồng chủ động điều chỉnh lối sống và sinh hoạt cho phù hợp với những chuẩn mới của cuộc sống trong bối cảnh còn rủi ro dịch bệnh...

Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ TT&TT, Bộ Y tế khẩn trương đánh giá và chỉ đạo việc áp dụng ứng dụng Bluezone phục vụ phòng, chống dịch.

Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về việc Bộ Y tế phân bổ khoản tiền 250 tỷ đồng ủng hộ, tài trợ hoạt động phòng, chống dịch qua MTTQ Việt Nam và qua tin nhắn cho các địa phương thực sự khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống tham nhũng tiêu cực.

Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 20 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc cho xuất khẩu số khẩu trang sản xuất được trên cơ sở bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng trong nước (kể cả dự trữ).

Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, GTVT, Quốc phòng) quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam là học sinh dưới 18 tuổi, người đi chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn phải về nước, bảo đảm phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.

Giao Hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm đầu mối tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước, với cơ chế tự trang trải (bằng chế độ bán vé).

Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phối hợp với các địa phương có biên giới đường bộ tổ chức tốt việc kiểm soát chặt chẽ và thực hiện cách ly người nhập cảnh.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok