|
Trong bữa cơm có món canh nấu từ nấm rừng có 8 người cùng ăn. Sau hơn nửa ngày, 6 người bị đau bụng, tiêu chảy. 2 bệnh nhân nặng nhất được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê gan, lọc máu, tiên lượng rất nặng.
Người nhà bệnh nhân mô tả nấm có màu trắng, hình dáng gần giống nấm rơm. Theo nhận định ban đầu, đây là loại nấm cực độc. Bởi số lượng nấm được dùng để nấu canh rất ít nhưng vẫn khiến cho các bệnh nhân bị ngộ độc nặng.
Các bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Mai Châu điều trị. Tại tuyến Y tế cơ sở, các bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu kịp thời bằng các biện pháp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Sau đó, 2 bệnh nhân có triệu chứng nặng nhất được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị, hiện tại 1 bệnh nhân đã tử vong, một 1 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp nhận và điều trị 4 bệnh nhân còn lại từ Trung tâm Y tế huyện Mai Châu chuyển đến. Các bệnh nhân đều có các triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi, cơ thể mất nước và mất điện giải. Thầy thuốc của các chuyên khoa trong Bệnh viện đã nhanh chóng hội chẩn để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Hiện tại, sức khoẻ các bệnh nhân đã ổn định hơn, các xét nghiệm đánh giá chức năng gan-thận-đông máu và các xét nghiệm cận lâm sàng khác vẫn trong giới hạn cho phép. Các bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị, chăm sóc và theo dõi tích cực. Tuy nhiên, đây vẫn đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh, người bệnh có thể thay đổi bất ngờ theo chiều hướng xấu đi, đặc biệt là tình trạng suy đa phủ tạng. Chúng tôi vẫn đang điều trị, chăm sóc, theo dõi tích cực các bệnh nhân và hội chẩn các chuyên gia tuyến Trung ương. Trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ hội chẩn để chuyển bệnh nhân về tuyến Trung ương điều trị.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết: "Chúng tôi vẫn đang điều trị, chăm sóc, theo dõi tích cực các bệnh nhân và hội chẩn các chuyên gia tuyến Trung ương. Trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ hội chẩn để chuyển bệnh nhân về tuyến Trung ương điều trị".
Nấm độc trong trường hợp này có tên khoa học là Amanita, chứa độc tố Amatoxin. Chất độc Amatoxin này rất nguy hiểm vì gây tổn thương tế bào cơ thể, đặc biệt là tế bào gan-thận dẫn đến tình trạng suy đa phủ tạng.
Nấm độc thường mọc tự nhiên ở trên rừng thuộc các tỉnh miền núi phía bắc (Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai…) vào mùa xuân và mùa hè. Rất khó phân biệt giữa nấm độc và nấm thường về màu sắc và mùi vị.
Bác sĩ Tình khuyến cáo, người dân không nên sử dụng nấm mọc tự nhiên để làm thức ăn. Khi không may ngộ độc nấm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, trường hợp không may ngộ độc nấm, nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam). Cần lưu ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc đã chế biến đến cơ sở y tế để bác sĩ sơ bộ xác định loại nấm, điều trị kịp thời. |
Tác giả: Trúc Chi
Nguồn tin: nguoiduatin.vn