Mẫu cá bạc má có màu hồng đỏ thời điểm gửi ra Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để xét nghiệm |
Chiều ngày 30-5, thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia đã có thông báo số 8733/PKN-VKNQG về kết quả kiểm nghiệm mẫu cá bạc má (đã kho) có màu hồng đỏ bất thường được Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh gửi đến. Theo đó, kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu cá bạc má dương tính với vi khuẩn Serratia marcescens và xác định chủng gây màu hồng đỏ là Serratia sp.
Được biết, vi khuẩn Serratia marcescens thường có trong đất, nước, thực vật và động vật. Xâm nhập vào thức ăn từ môi trường không khí, nước, đất, người bệnh…
Phương thức lây truyền trực tiếp hoặc qua ống xông, chúng có thể gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, đường ruột, nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm trùng tiết niệu... nhưng ít có khả năng gây dịch.
Thông báo kết quả mẫu cá bạc má có kết quả dương tính với vi khuẩn Serratia marcescens |
Trước đó, như Báo SGGP Online đưa tin, sáng 24-5-2017, chị Phan Thị P. (ở tổ dân phố 3, thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) có mua 2kg cá bạc má ở khu vực chợ Giang Đình, thị trấn Nghi Xuân. Sau đó, đưa về nhà để lại 7 con cá và số còn lại đưa cho ông bà ngoại ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân.
Đến chiều tối cùng ngày, chị P. cho cá vào nồi nấu (ruột nồi cơm điện) với các gia vị muối hạt trắng, bột ngọt (mì chính), ớt cay tươi. Khi nấu chín, chị P. và chồng đã ăn hết 4 con, còn lại 3 con để trong nồi (không bảo quản trong tủ lạnh). Đến sáng 25-5, khi đưa 3 con cá chưa ăn ra thì chị P. bất ngờ phát hiện cả 3 con cá này đã chuyển sang màu hồng đỏ.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh đã cử cán bộ khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân lập biên bản sự việc, lấy mẫu cá bạc má tại nhà chị P. gửi ra Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để xét nghiệm.
Bác sỹ Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh, khuyến cáo: Để bảo đảm ATVSTP, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, mọi người chú ý cần phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên khử trùng bề mặt khu vực chế biến thực phẩm, tủ lạnh, bàn ăn,... bằng dung dịch cloramin B, thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi chế biến xong, bảo quản thực phẩm theo đúng quy định, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm bị ôi thiu, mốc, hỏng, có biểu hiện mùi, vị lạ bất thường, dập nát... thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn.
Tác giả: Dương Quang - Hồ Tuấn Dũng
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng