Cơ duyên buôn quần áo giày "secondhand"
Tốt nghiệp đại học hơn 1 năm nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp với sở thích, Nguyễn Việt Anh (Bát Tràng, Hà Nội) quyết tâm vay tiền để kinh doanh quần áo cũ.
Nếu người bán không chủ động giới thiệu cũng khó để nhận ra hàng mới hay cũ |
Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh này, Việt Anh cho biết: “Ngày còn nhỏ xíu, bố mẹ tôi đã kinh doanh quần áo secondhand ở Kim Liên. Nên cũng quen mặc hàng này từ bé đến giờ, tính ra cũng đã hơn 20 năm.”
Màu sắc trẻ trung phù hợp với giới trẻ |
“Hàng secondhand này tuy đã cũ, nhưng kiểu dáng vẫn giữ được. Nhiều chiếc vẫn còn giữ được màu, không bị phai do chất liệu làm nên là loại tốt. Nhiều bạn trẻ thích mặc theo phong cách vintage hay hiphop đều rất thích quần áo có dáng rộng, thoáng mát như vậy”, Việt Anh nói.
Cũng theo Việt Anh: “Phải những bạn trẻ biết mua, biết chọn mới vào những cửa hàng quần áo secondhand để chọn. Vì nó có form dáng Châu Âu chứ không bó sát như các loại quần áo Quảng Châu.”
Khách mặc quen thường tìm đến những cửa hàng như này |
“Trước đây, chủ yếu các cửa hàng bán hàng này đều là buôn theo kiện, hàng đổ đống về, khách cứ đến nhặt đồ. Cái nào mặc được thì mua, không thì thôi. Nhưng hiện nay, để phục vụ nhu cầu của giới trẻ, rất nhiều cửa hàng có chọn lọc cả về chất lượng và gu thời trang mọc lên”, Việt Anh cho biết thêm.
Cơ duyên đã có, nhưng muốn có hàng độc dành riêng cho người trẻ, Việt Anh phải lần mò khắp các hội nhóm về hàng Secondhand mới tìm được mối hàng bên Campuchia.
Cậu bạn này chia sẻ: “Campuchia như là bãi rác của thế giới. Thứ đồ cũ gì cũng có thể tìm thấy ở đó, từ giày, dép, quần, áo, kính, đồng hồ, cho đến những chiếc túi Luis Vuiton hàng hiệu,…”
“Ở đó bạn có thể tìm được những chiếc đồng hồ hàng hiệu cũ vẫn còn nguyên bản có giá hơn 20 triệu đồng, nhưng chỉ mất 5 triệu đồng để mua lại. Túi xách hàng hiệu mới thực sự nhiều, sau khi làm sạch sẽ lại nhìn không thua kém gì hàng mới”, Việt Anh chia sẻ.
Nhập hàng giá rẻ
Vốn không nhiều, nhưng Việt Anh vẫn quyết tâm đầu tư cho cửa hàng cùng với một người bạn. Tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng, 2 chàng trai trẻ đã dành một nửa số vốn để nhập hàng.
Do đã liên hệ được mối bên Campuchia, lại có người quen đang làm việc bên đó, nên coi như chi phí ăn ở và đi lại tại Campuchia của 2 người không mất.
Giày cũ nhưng nhìn còn khá mới, nếu mua mới thì giá của chúng khoảng hơn 2 triệu đồng |
Tuy nhiên, để sang được Campuchia, Việt Anh cho biết: “Tôi và một người bạn phải bay vào TP.HCM, sau đó đi ô tô sang Campuchia để chọn hàng. Chi phí đi lại của cả 2 phải đến gần 8 triệu đồng.”
“Tuy nhiên, không phải cứ sang là lấy hàng về. Tôi phải cả buổi sáng để nhặt 50 đôi giày trong hàng nghìn đôi giày cũ ở đó. Giày 2nd này mỗi đôi chỉ có một cỡ nên cũng phải chọn những đôi phù hợp với cỡ chân của người Việt”, 9x này cho biết thêm.
|
Do là hàng cũ, nên giá nhập của những đôi giày này chỉ bằng 1/10 những đôi giày mới. Tuy nhiên, giá của chúng cũng còn phụ thuộc vào độ mới, xuất xứ và thương hiệu. Sau khi được làm sạch gần như mới, giá sẽ dao động từ 8,5 - 10 USD/đôi.
Ở những chợ hàng cũ như vậy, Việt Anh cho biết: “Có 2 kiểu mua hàng, nếu mua cả kiện 100 đôi giày thì giá sẽ rẻ hơn. Còn mua theo kiểu nhặt từng đôi một thì cũng phải lấy 50 đôi một lần, giá trung bình khoảng 475 USD/50 đôi.”
Nhìn qua không ai bảo đây là hàng cũ |
“Với áo phông cũng tương tự, mỗi chiếc chỉ có 1 size và một kiểu khác nhau. Xuất xứ của chúng thì đúng là từ khắp thế giới đổ về. Từ Mỹ, Mexico, Guatemala cho tới các nước Châu Âu. Nếu nhập buôn, tính ra mỗi chiếc áo phông có giá chỉ 1,5 USD, bằng 1/20 hàng mới. Còn hàng sơ mi cũng chỉ 250 USD/200 cái, riêng loại sơ mi thu đông thì sẽ đắt gấp đôi.”, V.A. cho biết.
Nhập thì rẻ nhưng hàng về tới Hà Nội cũng mất kha khá tiền vận chuyển. Tuy nhiên, lái buôn bên đó sẽ làm dịch vụ vận chuyển luôn từ Campuchia về TP.HCM, sau đó chuyển về Hà Nội mà người nhập không cần làm gì. Mức giá sẽ tuỳ vào số lượng hàng.
Hiện ở Hà Nội, chợ Đông Tác, Kim Liên vẫn là nơi tập trung nhiều quần áo secondhand nhất. Nhưng tại đây thường chỉ có hàng đổ đống, không có quần áo dành riêng cho các bạn trẻ lựa chọn.
Dave Amos (England) hiện đang dạy học tại một trung tâm tiếng Anh tại Minh Khai cho biết: “Tôi sang Việt Nam mới được hơn 2 năm, nhưng không thích mua quần áo ở các cửa hàng cho giới trẻ. Vì đa phần các cửa hàng bán quần áo đó ở Việt Nam toàn là hàng Trung Quốc. Tôi không thích chất liệu quần áo đó.”
Khách nước ngoài khá ưa thích vì cùng form dáng, không như hàng Trung Quốc |
“Nên tôi tìm đến những cửa hàng secondhand cho giới trẻ theo phong cách vintage để mua đồ. Giá cả vừa phải với người mới sang Việt Nam như tôi, mà chất liệu lại thoải mái, đúng form dáng tôi”, Dave cho biết thêm.
Nhiều bạn trẻ còn lấy số điện thoại của chủ hàng để mỗi lần có quần áo hay đặc biệt là giày mới về là rủ nhau ra săn. May mắn thì có thể mua được những đôi giày hàng hiệu còn mới đến 70 - 80% mà giá chỉ bằng một phần mười.
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí