Người nghiện và buôn bán ma túy tuyên thệ ngưng sử dụng ma túy sau khi tự nguyện ra trình diện nhà chức trách ở thị trấn Tanauan, tỉnh Batangas, Philippines. Ảnh: AFP
Ông Jerry Gonzaga nghiện ma túy suốt hai chục năm nay. Như nhiều hàng xóm và bạn bè ở Paranaque, thành phố phía nam thủ đô Manila, Philippines, Gonzaga phải sử dụng shabu, một loại ma túy đá rẻ tiền, mới có thể tập trung vào việc sửa ôtô, bán dù và làm nhiều công việc lặt vặt khác để lo cho 8 đứa con và vợ, theo Los Angeles Times.
Ngày 30/6, ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines với cam kết tiêu diệt tất cả các đối tượng liên quan tới ma túy. Gonzaga, một người đàn ông mảnh khảnh, 43 tuổi, đã đến trình diện cảnh sát. Tại đồn cảnh sát, họ đưa cho ông một mẫu đơn cam kết đoạn tuyệt với ma túy.
Nội dung đơn ghi rõ "nếu bạn bị bắt quả tang sử dụng ma túy lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba, những cảnh báo và các điều kiện sẽ được đưa ra. Nếu bạn bị bắt gặp lần thứ 4, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm cho bất cứ điều gì xảy ra với bạn".
Kể từ tháng 6, ước tính 687.000 người trên khắp Philippines đã ra đầu thú vì lo sợ trước chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy do ông Duterte phát động. Chưa đầy ba tháng sau, hơn 3.500 nghi phạm sử dụng và buôn bán ma túy đã bị giết chết dưới tay cảnh sát hoặc lực lượng dân phòng.
Sợ hãi
Tổng thống Duterte ước tính khoảng 3,7 triệu người trên tổng số 100 triệu dân Philippines sử dụng ma túy. Nhưng trong đó, rất nhiều người lâm vào tình cảnh giống Gonzaga: nghèo khổ, kinh hãi trước làn sóng bạo lực giết chóc không qua xét xử và xoay sở để tồn tại giữa một xã hội thiếu nguồn lực hỗ trợ họ.
"Mọi người đang sống trong nỗi sợ tột cùng", Clarke Jones, chuyên gia từ Đại học Quốc gia Australia, nghiên cứu hệ thống nhà tù Philippines và mối quan hệ giữa chúng với nạn buôn bán ma túy, nhận xét.
"Nếu không đầu thú, cuộc sống của họ sẽ luôn bị đe dọa. Nhưng người nghiện vẫn là người nghiện", Jones nói. "Đó chỉ là một sự thúc bách tạm thời. Họ biết mình sẽ mất mạng nếu không ra đầu thú. Dù vướng vào hệ thống tư pháp hình sự và bị đưa vào tù, điều này không thể hóa giải tình trạng phụ thuộc của họ đối với ma túy. Ma túy vẫn tồn tại trong hệ thống nhà tù dưới nhiều hình thức khác nhau. Song nếu họ ở lại trong cộng đồng, không có cấu trúc hỗ trợ nào giúp họ tránh xa ma túy", ông cho biết thêm.
Bình luận viên Jonathan Kaiman cho biết các tòa án của Philippines đang vướng nhiều tai tiếng về hoạt động trì trệ và tham nhũng. Các nhà tù nước này ngập tràn phạm nhân nhưng nhưng lại có rất ít trung tâm cai nghiện. Giới chuyên gia nhận định những kẻ buôn bán ma túy sớm muộn cũng sẽ quay về đường cũ ngay khi bầu không khí sợ hãi lắng xuống.
Trong khi đó, ông Duterte liên tục khẳng định cam kết thi hành chính sách chống ma túy cứng rắn và nhuốm màu bạo lực.
"Hãy bắn kẻ buôn bán ma túy rồi tôi sẽ trao cho bạn huân chương", Tổng thống Philippines phát biểu trên đài truyền hình quốc gia hồi tháng 6. Tuyên bố của ông càng khiến những người nghiện ma túy ở Philippines có lý do để cẩn trọng hơn.
Hôm 15/9, tại một phiên điều trần trước thượng viện Philippines, một nhân chứng tên Edgar Matobato khai nhận rằng ông Duterte đã ra lệnh thực hiện nhiều vụ giết người không qua xét xử trong quãng thời 22 năm giữ chức thị trưởng thành phố Davao. Thậm chí, Matobato còn cho hay ông Duterte đích thân bắn chết một đặc vụ Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, thư ký truyền thông cho Tổng thống Philippines bác bỏ cáo buộc trên. Matobato còn tiết lộ ông là thành viên nhóm Biệt đội Tử thần Davao, được cho là đã ám sát hơn 1.000 người ở thành phố này.
Nhà tù quá tải
Người nghiện ma túy điền vào đơn cam kết sau khi ra trình diện nhà chức trách ở thị trấn Tanauan, tỉnh Batangas, Philippines. Ảnh: AFP
Chương trình cai nghiện ở nhà tù New Bilibid, cơ sở cải huấn lớn nhất Philippines với hơn 23.000 tù nhân, đang quá tải.
Số người ra đầu hàng cảnh sát đã quá đông, Resurrection Morales, người đứng đầu các chương trình cải tạo của nhà tù New Bilibid cho biết. "Chỉ nghĩ đến hàng trăm, hàng nghìn người nghiện ma túy ra đầu thú cũng đủ khiến các nhân viên cải huấn đau đầu", bà nói.
"Chúng tôi cần cơ sở giam giữ mới. Có quá nhiều vụ bắt giữ nhưng lại thiếu các cơ sở giam giữ", Morales nói.
Theo bà, nhà tù New Bilibid đang hoạt động ở mức 158% công suất với 40 quản ngục thường xuyên phải trông coi 15.000 phạm nhân. Morales cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng y tế tại nhà tù New Bilibid bởi mỗi phạm nhân chỉ được phụ cấp y tế 0,1 USD/ngày.
"Vì thiếu nhân sự nên lực lượng quản ngục có thể bị điều động tham gia cả công việc hành chính và cải tạo. Các quản ngục của tôi vừa phải đứng lớp, vừa phải duy trì trật tự trong các lớp học, vừa phải làm thông tin liên lạc như là một phần nhiệm vụ hành chính", Morales chia sẻ.
Archie Bueno, 46 tuổi, một phạm nhân ở New Bilibid, cho hay ông bị tống giam vì tội buôn bán ma túy vào năm 2008 sau 5 năm xét xử.
"Hệ thống này đang xử lý rất ì ạch. Nhiều phạm nhân đến nhưng chỉ một số ít đi ra. Có rất nhiều phạm nhân đủ điều kiện để được trả tự do trước thời hạn nhưng họ vẫn chưa thể rời khỏi đây. Hàng loạt phạm nhân đã hơn 70 tuổi", Bueno nói.
"Khi nhà tù ngày càng đông đúc, cuộc sống ở đây trở nên khó khăn hơn', Bueno cho biết thêm. Ông tiết lộ một số phòng giam chỉ có sức chứa 40 phạm nhân nhưng đã tiếp nhận hơn 100 người.
"Có những phòng giam khiến bạn không thể ngủ một đêm trọn giấc. Thậm chí, phạm nhân không thể nằm duỗi thẳng người. Chỉ cần đứng dậy đi vệ sinh và quay lại, bạn sẽ thấy chỗ của mình đã bị chiếm mất", Bueno than vãn.
Gonzaga thì bộc bạch rằng ông đã ngưng sử dụng ma túy nhiều tháng nhưng lại đang phải đối mặt với một tương lai bấp bênh.
"Cách chính phủ chống ma túy thật sự gây lo ngại. Họ nên cân nhắc việc những người nghiện cũng là con người, họ có gia đình, những người quan tấm đến họ. Họ nên được trao cho cơ hội khác để làm lại cuộc đời", Gonzaga nói.
Tác giả bài viết: Hồng Vân