Pháp luật

Bước đường cùng

Trong một lần bị nhóm người đòi nợ uy hiếp, người bán vé số bị ép vào đường cùng nên tức giận vung dao phản kháng, để rồi vướng vòng lao lý

Đó là bị cáo Nguyễn Đặng Quang Vinh (40 tuổi, quê Tiền Giang) - bị TAND TP HCM xét xử về tội "Giết người" vào đầu tháng 7-2017. Đến tham dự phiên tòa của Vinh, ngoài người mẹ già mới từ quê lên TP HCM còn có một người đặc biệt khác là vợ chưa đăng ký kết hôn của bị cáo. Họ đứng cạnh nhau nhìn về phía Vinh, sụt sùi gọi con, gọi chồng trong nước mắt nhạt nhòa.

Bi kịch từ khoản nợ trả góp

Đời Nguyễn Đặng Quang Vinh vốn dĩ đã là một khúc nhạc buồn khi sinh ra trong gia đình nghèo. Dư âm của cơn bệnh tật và cuộc sống đói khổ thời ấu thơ khiến thể hình của Vinh vừa thấp vừa thô kệch, chậm chạp, khù khờ hơn những thanh niên cùng trang lứa.

Bị cáo Nguyễn Đặng Quang Vinh tại phiên tòa

Cũng chẳng được đến trường như bao đứa trẻ khác, Vinh lớn lên đã quen với công việc lao động chân tay như bốc vác hàng hóa rồi phụ hồ. Ngoại hình xấu xí, gia cảnh khó khăn lại thêm công việc bấp bênh, Vinh chẳng bao giờ dám mơ ước có một gia đình hạnh phúc. Tủi cho thân phận mình, Vinh chưa một lần dám nói yêu ai, niềm an ủi đơn giản duy nhất là uống vài ba chén rượu giải sầu sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc.

Công việc ở quê ngày càng khan hiếm, Vinh xin mẹ lên thành phố kiếm việc khi vừa tròn 35 tuổi. Không có sức khỏe như bao người khác, cũng chẳng có nghề ngỗng đàng hoàng, Vinh phải đi bán vé số kiếm sống qua ngày nơi đất khách quê người.

Trong một lần đi bán vé số, Vinh quen chị Liên - bán bánh mì trên đường Phan Văn Hớn (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn,

TP HCM). Một bên là người đàn bà góa chồng mười mấy năm cần nơi nương tựa, một bên là người đàn ông khao khát hạnh phúc gia đình. Thương cảm cho nhau, họ tự nguyện dọn về chung sống, đùm bọc, yêu thương như vợ chồng.

"Lần đầu tiên gặp, anh Vinh mời mua vé số mà tôi không có tiền nên mời anh bánh mì. Dần dà cứ gặp nhau như vậy rồi quen, thương nhau hồi nào không biết. Có đợt, tôi bị đau ốm không đi bán bánh mì được, anh Vinh gợi ý hay về ở chung với nhau cho đỡ tiền phòng trọ. Thấy anh thiệt tình thương, tôi đồng ý. Cũng từ đó, một mình anh phải bán vé số vừa nuôi thân vừa chăm lo cho vợ" - chị Liên bùi ngùi nhớ lại.

Nhưng cuộc sống hạnh phúc chẳng kéo dài được bao lâu, khi mà nỗi lo cơm áo gạo tiền ngày càng nặng nề, nhiều lúc phải rơi vào cảnh túng quẫn. Do thiếu tiền trả nhà trọ, Vinh mượn của bà Huỳnh Thị Nhự 8,4 triệu đồng (trong đó, tiền gốc là 5 triệu đồng, lãi suất cố định là 3,4 triệu đồng). Hai bên thỏa thuận, Vinh sẽ trả góp 100.000 đồng/ngày cho đến khi hết nợ.

Khoảng 19 giờ ngày 14-1-2016, Vinh đang bán vé số thì bà Nhự đến đòi nợ nhưng chưa có tiền để trả nên xin khất. Bà Nhự yêu cầu phải trả tiền ngay, nếu không phải thế ngang bằng 10 tờ vé số mỗi ngày. Cả hai bên xảy ra cự cãi, cuối cùng Vinh phải đưa cho bà Nhự 20 tờ vé số (trị giá 200.000 đồng). Bà Nhự về đến nhà thì kể lại câu chuyện cho bạn là bà Ngô Thị Dương nghe. Sau đó, cả hai bà này cùng nhiều thanh niên đến phòng trọ của Vinh để chửi mắng, dọa đánh. Vinh vào phòng lấy 1 con dao, đâm bà Dương trúng cổ. Nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu, may mắn sống sót với tỉ lệ thương tật 30%.

"Tôi không bao giờ bỏ chồng"

Trước vành móng ngựa, Vinh ngơ ngác và sợ sệt khi nghe đại diện viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án 10-12 năm tù về tội "Giết người". Đôi lúc bị cáo xòe 2 bàn tay rồi nhìn trân trân như thể chưa tin mình đã phạm tội như vậy.

Nói về hành vi phạm tội của mình, Vinh khai đã có uống một ít rượu trước đó nên không kiềm chế được bản thân. "Bị cáo thiếu tiền trả góp 2 ngày nhưng đã đưa lại 20 tờ vé số. Vậy mà bà Nhự và bà Dương vẫn gọi người đến đánh. Bị cáo bị té ngã rồi vùng dậy đâm dao lung tung để tự vệ chứ không hề có chủ đích giết người. Mong tòa xử nhẹ tội để bị cáo sớm được về với gia đình, làm lại cuộc đời" - Vinh giải thích.

Nghe con trình bày, mẹ bị cáo đưa tay lau khẽ dòng nước mắt, bà nói: "Thằng Vinh ở nhà hiền khô, tính lại khù khờ, ai chửi mắng gì cũng chỉ lẳng lặng nghe. Bởi nó hiền lành lắm nên không thể nào có ý định giết người được".

Nắm lấy tay mẹ chồng, nàng dâu hờ quệt nước mắt đau xót. Hai năm chung sống không phải là dài nhưng chị hiểu được Vinh là người tốt, sống chân tình nên chẳng một lời oán than số phận. Ngày Vinh vào tù, chị cũng mở một quán ăn chay nho nhỏ, vừa kiếm sống vừa làm từ thiện nguyện cầu cho Vinh tai qua nạn khỏi. Mặc dù không có một danh phận trên mặt pháp luật nhưng chị vẫn đều đặn vào trại giam thăm và động viên chồng.

"Anh Vinh thương tôi lắm! Bán vé số không được bao nhiêu nhưng lúc nào cũng chăm lo chu đáo cho gia đình. Cuộc sống khổ cực như vậy mà anh không than thở hay nặng lời với tôi lần nào. Giờ anh như vậy mình sao nỡ bỏ. Tiền bạc thì bao nhiêu cũng hết nhưng tình nghĩa mới là cái quý giá. Dù anh có đi tù bao nhiêu năm đi nữa tôi vẫn sẽ chờ. Tôi không bao giờ bỏ chồng!" - chị Liên tâm sự.

Giờ nghị án, hình ảnh mẹ chồng - con dâu nhòa lệ dìu nhau ra khỏi phòng xử khiến nhiều người xúc động. Người cán bộ trại giam đến gần trao cho họ những chiếc móc khóa ghi tên người thân trong gia đình mà chính tay Vinh tết từ dây cước khi còn trong trại giam.

Từ trong phòng xử, Vinh ngoảnh lại nhìn mẹ, nhìn vợ mà đôi mắt đỏ hoe, ánh lên sự lo lắng cho chính số phận của mình. Và nỗi lo lắng đó đã trở thành hiện thực, tòa tuyên Vinh mức án 10 năm tù về tội "Giết người".

Hành vi nguy hiểm

Luật sư bào chữa không nhất trí với quan điểm của viện kiểm sát về hành vi phạm tội của Vinh: "Bị cáo bị bà Nhự và bà Dương chửi mắng, gọi người tới đánh. Bị cáo chỉ dùng dao quơ loạn xạ để tự vệ chứ không cố tình đâm vào vùng nguy hiểm của nạn nhân, không mong muốn hậu quả xảy ra". Từ đó, luật sư đề nghị đổi tội danh từ "Giết người" sang "Cố ý gây thương tích".

Sau khi nghị án, HĐXX xét thấy lời khai của bị cáo phù hợp với hồ sơ vụ án, hành vi đâm vào cổ nạn nhân là nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng nên không chấp nhận lập luận của luật sư.

Tác giả: Quốc Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok