Du lịch

Búng Bình Thiên - 'Biển Hồ' của Tây Nam Bộ

Như Biển Hồ và hơn cả Biển Hồ trên đất nước Chùa Tháp, Búng Bình Thiên (huyện An Phú, An Giang) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nam Bộ, không chỉ giữ vai trò điều tiết nước cho một phần châu thổ, mà còn là điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách thích khám phá sông nước đầu nguồn lấp lánh văn hóa Chăm Islam.

Đua thuyền rồng trên Búng Bình Thiên, một trong những hình ảnh hấp dẫn du khách thích khám phá sông nước đầu nguồn Cửu Long.

Hấp dẫn ngay tên gọi

Từ TP.Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên vắt mình ngang nhánh sông Hậu, rồi men theo tỉnh lộ 956 khoảng 25km tới ngã tư Quốc Thái, rẽ trái khoảng 2km, chúng tôi đến Búng Bình Thiên, hay còn gọi tắt là Búng.

TS Nguyễn Trần Thiện Khánh - chuyên gia về môi trường nước của ĐH An Giang, cũng là khách mời của đoàn thực địa do tổ chức “Con người và thiên nhiên” (PAN Nauture) tài trợ - giới thiệu: “Búng Bình Thiên dài khoảng 4.000m và rộng trung bình khoảng 500m (chỗ lớn nhất 1.000m), là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nam Bộ. Nhưng quan trọng hơn là diện tích mặt nước của Búng thay đổi theo mùa. Vào mùa khô, Búng rộng 220ha và tăng lên 600ha vào mùa lũ”.

Cũng như sự biến động của mực nước, địa danh Búng Bình Thiên cũng hết sức ly kỳ. Theo cách hiểu thông dụng của nhiều người, Búng Bình Thiên nghĩa là hồ nước bình yên của ông trời ban tặng, hay ngắn gọn hơn là “hồ nước trời” theo lối giải thích chiết tự. Trong đó, “Bình” được hiểu là bình yên, phẳng lặng, còn “Thiên” là trời.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến căn cứ theo Địa bạ triều Nguyễn năm 1832 cho rằng chữ Thiên trong “Bình Thiên” có thể là sự biến âm của chữ Tiên trong thần tiên, tức là chốn tiên cảnh bình yên...

Riêng từ “Búng” thì “9 người, 10 ý”. Người theo ý kiến của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển (trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”), thì Búng là biến âm của “bưng” là từ có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “trapéang” có nghĩa là “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”...

Nhưng cũng có ý kiến chưa đồng tình với cách giải thích mang tính “Liên Hợp Quốc” này và đề xuất các nhà ngôn ngữ học vào cuộc để sớm đưa ra đáp án chính thức.

Búng Bình Thiên - “Biển Hồ” của Tây Nam Bộ ảnh 1

Chiếc túi đa dạng sinh học

Cho ôtô chạy một vòng Búng Bình Thiên, TS Khánh - người vừa hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học về Búng, tự tin giới thiệu: “Thực chất đây là đoạn sông nối sông Bình Di với sông Hậu. Theo thời gian, quá trình bồi lấp ở cả hai đầu nối với hai sông tạo ra một vùng nước có hai đầu thắt lại rồi dần dần lấp hoàn toàn cửa phía sông Hậu. Hiện Búng chỉ còn nhận nước từ sông Bình Di”.

Vì vậy theo TS Khánh, nếu nhìn ảnh vệ tinh, Búng Bình Thiên giống như cái hồ lô và hơn thế nữa đó là chiếc hồ lô kỳ diệu: “Với diện tích “mở” của mình, Búng Bình Thiên được xem như “trái tim” điều tiết nước cho một vùng châu thổ: Mùa lũ tích nước giảm độ ngập sâu; mùa nắng xả nước giảm khô hạn”.

Tuy nhiên, điều khiến tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên và ấn tượng hơn chính là hình ảnh dòng nước luôn xanh trong, phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ hướng lên trời xanh tạo ra ánh lấp lánh đến huyền ảo.

Lung linh sắc Chăm

Ngồi trong căn chòi lá của quán ăn sinh thái ven hồ, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi nhận ra một Búng Bình Thiên lung linh sắc màu đến mê hoặc lòng người, từ sắc màu vàng rực của bông điên điển, rồi chút biêng biếc của bông rau nhút, xanh mơn mởn của rau muống đồng...

Độc đáo hơn, là một Búng Bình Thiên rạng rỡ trong chiều sâu của nền văn hóa đa dạng sắc màu của cộng đồng Chăm Islam sống quanh hồ.

Theo TS Khánh, người Chăm An Giang có nguồn gốc từ miền Trung. Sau khi theo các vị tướng nhà Nguyễn là Lê Văn Đức, Doãn Uẩn, Trương Minh Giảng vào đây, họ định cư dọc theo bên bờ sông Hậu theo xóm (pa-lây) nhằm làm đội tiền trạm bảo vệ biên giới. Xung quanh Búng Bình Thiên có đến 3 xóm Chăm thuộc xã Quốc Thái, Nhơn Hội và Khánh Bình.

Cũng như phần lớn người Chăm Nam Bộ theo Hồi giáo, Thánh đường (Masjid) không chỉ là trung tâm tinh thần của cộng đồng người Chăm mà còn là điểm đến kỳ thú đối với du khách.

Theo TS Khánh, trong quá trình thực hiện đề tài, tiếp cận nhiều nguồn tin, đã xác định: Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc đặc thù Hồi giáo với hình ảnh mái vòm tròn vững chãi bên dưới biểu tượng vầng trăng khuyết vươn thẳng lên trời cao..., nơi đây còn có thánh đường vào dạng đẹp và lớn nhất cộng đồng Chăm Nam Bộ. Đó là Thánh đường Jamiul Muslimin ở xã Quốc Thái...

Nhận ra được lợi thế này, từ nhiều năm qua tỉnh An Giang đã và đang đầu tư nhiều công trình nhằm hướng tới phục vụ ngày một tốt hơn như cầu khám phá Búng Bình Thiên của du khách.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok