Ngày 28/6, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục phiên tòa hình sự xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lam và 15 cán bộ nhân viên Eximbank trong vụ án chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của khách hàng.
Bị cáo Đặng Đình Hồng (nguyên Giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương) trình bày, đối với các giao dịch khống của Lam, theo quy định, các giao dịch viên, kiểm soát viên có thể gọi điện hoặc đến nhà khách hàng kiểm tra. Nhiệm vụ này bị cáo đã giao lại cho nhân viên.
Liên quan đến việc Lam rút tiền của khách hàng mà không cần sổ tiết kiệm, bị cáo Hồng đã cho rằng, bản thân mình đã chỉ đạo nhân viên thu sổ tiết kiệm, linh động nhưng không thể bỏ qua quy định.
Bị cáo Đặng Đình Hồng |
Luật sư bào chữa cho Lam hỏi bị cáo Hồng, hành vi của bị cáo Lam thực hiện trong vụ án này có tinh vi hay không?
Bị cáo Hồng nhận định là có tinh vi, vì Lam đã qua mặt được khách hàng và ngân hàng. Người này cũng chỉ ra kẽ hở trong ngân hàng Eximbank khi ban hành quyết định 147, cho phép giao dịch với khách hàng VIP tại nhà mà không hướng dẫn, quy trình cụ thể.
Tuy nhiên, đại diện Eximbank lại cho rằng, ngân hàng đã ban hành nhiều văn bản quy trình quy định chặt chẽ.
Sự việc Eximbank tạm ứng cho khách hàng Nguyễn Tiến Nam số tiền 23 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Kiều Hương 9,25 tỷ đồng, luật sư bào chữa cho Lam hỏi đại diện Eximbank rằng, ngân hàng đã thỏa thuận gì trong việc tạm ứng tiền cho khách hàng? Tuy nhiên, đại diện Eximbank từ chối tiết lộ nội dung cụ thể.
Về số tiền bị mất của bà Nguyễn Thị Kiều Hương (trú tại Đô Lương). Theo cáo trạng, từ 10/2012 đến tháng 7/2016, bà Hương đã nhờ Lam gửi 85 sổ tiết kiệm tại Eximbank Đô Lương.
Trong 59 sổ tiết kiệm đã tất toán, 37 sổ Lam mạo danh chữ ký bà Hương ở chủ tài khoản và người nhận tiền, rồi nói dối với nhân viên ngân hàng để rút tiền ra sử dụng.
Đến ngày bà Hương tất toán, Lam trả đủ vốn và lãi nên bà Hương không hay biết chuyện. Còn 26 sổ tiết kiệm và tài khoản chưa tất toán, Lam đã rút và chiếm đoạt 10,721 tỷ đồng.
Qua giám định chữ ký của người nhận tiền trên lệnh chi, ủy nhiệm chi. Cơ quan điều tra xác định bị cáo Lam đã giả mạo chữ ký của bà Hương trong 24 sổ với số tiền 9,250 tỷ đồng. Những lệnh chi tiền còn lại là do bà Hương tự ký.
Trước HĐXX, bà Hương trình bày, lấy lý do ngân hàng thay đổi phần mềm kế toán, Lam đã làm giấy đề nghị thay đổi thông tin khách hàng đưa cho bà Hương ký.
Trong giấy đề nghị thay đổi thông tin khách hàng có chữ ký hiện tại và chữ ký mới. Bà Hương đã ký vào phần chữ ký cũ, mà không ký vào phần chữ ký mới. Sau đó bà Hương giao cho Lam.
Nhiều tình tiết chưa được làm rõ
Tiếp tục với số tiền 12 tỷ đồng Lam khai đã cho anh Nguyễn Trung Hiếu vay, tại tòa hôm qua, anh Hiếu khẳng định mình không vay Lam 12 tỷ.
Để làm rõ vấn đề này, luật sư bào chữa cho Lam hỏi anh Hiếu về mối quan hệ giữa của 2 người. Tuy nhiên, người này từ chối trả lời.
Trình bày với HĐXX, anh Hiếu cho biết, khi cơ quan điều tra kê biên tài sản, bao gồm đất và nhà đã không xác minh mà chuyển qua VKS. Chính vì thế, người này yêu cầu trả lại tài sản và nhà, đền bù thiệt hại liên quan đến việc kê biên.
Bị cáo Nguyễn Thị Lam |
Ngoài ra, anh Hiếu còn trình bày, khi Lam mượn tài khoản của người thân để rút tiền, Hiếu có hỏi Lam về nguồn gốc số tiền này. Lam nói bố mẹ mình ngày xưa khai thác gỗ bên Lào, nay làm thầu xây dựng nên có nhiều tiền.
Tại phiên tòa, đại diện Eximbank khẳng định, trong quá trình làm việc, cán bộ nhân viên đã bỏ qua một số quy trình. Ngân hàng chịu trách nhiệm về những thiệt hại do mình gây ra.
Tuy nhiên, 6 khách hàng cũng có lỗi khi ký vào lệnh chi, nên đề nghị HĐXX xem xét.
Tại tòa, 5 khách hàng bị Lam chiếm đoạt tiền đều mong muốn được trả lại tiền và lãi suất kèm theo. Riêng ông Nguyễn Tiến Nam (đã nhận 23 tỷ đồng) không yêu cầu Eximbank bồi thường số tiền còn lại.
Sau khi thảo luận, HĐXX nhận thấy vẫn còn nhiều tình tiết cần phải làm rõ, nên quyết định tạm dừng phiên tòa để điều tra thêm.
Dự kiến phiên tòa sẽ mở lại vào ngày 5/7 tới.
Tác giả: Phạm Tâm - Quốc Huy
Nguồn tin: Báo VietNamNet