Kinh tế

Bóng dáng gia tộc phía sau hãng sản xuất vaccine Covid-19 của Việt Nam

Ông Hồ Nhân đang điều hành Nanogen, đơn vị dẫn đầu về tốc độ phát triển vaccine Covid-19 trong nước. Vợ chồng chủ tịch Nanogen là những thành viên của gia tộc sở hữu Sơn Kim Group.

Bộ Y tế vừa chính thức cho phép thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người do Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen sản xuất. Đây là đơn vị đang dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 trong nước.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nanogen là ông Hồ Nhân, một nhà khoa học sinh năm 1966 lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Mỹ.

Tại thời điểm ban đầu, Nanogen có 3 cổ đông sáng lập. Ông Hồ Nhân sở hữu 70% cổ phần công ty. Vợ ông Nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Vân nắm giữ 25% vốn điều lệ Nanogen. Cổ đông còn lại sở hữu 5% vốn là ông Hồ Vũ Thanh.

Sau đó, khi các cổ đông nước ngoài bắt đầu tham gia góp vốn vào Nanogen, tỷ lệ cổ phần của ông Hồ Nhân và bà Hồng Vân bắt đầu pha loãng, lần lượt giảm còn 67,5% và 22,5%. Còn ông Thanh thoái hết vốn tại công ty dược phẩm này.

Theo định giá tạm thời của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - đơn vị đang sở hữu 162.500 cổ phiếu của Nanogen - công ty có giá trị khoảng 5.093 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD.

Tuy nhiên, KIS cũng lưu ý rằng chưa thể xác định giá trị hợp lý của Nanogen ở thời điểm hiện tại do công ty dược phẩm này chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong trường hợp phát triển thành công vaccine Covid-19, định giá của Nanogen nhiều khả năng sẽ tăng mạnh so với con số 220 triệu USD.

Ngoài Nanogen, vợ chồng ông Hồ Nhân và Hồng Vân còn là những thành viên của gia tộc sở hữu Sơn Kim, một tập đoàn kinh doanh đa ngành từ bất động sản, bán lẻ đến thời trang.

Ông Hồ Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nanogen. Ảnh: Forbes

Những viên gạch đầu tiên của Sơn Kim bắt đầu từ giữa những năm 1950 khi doanh nghiệp tư nhân Đại Thành ra đời do ông ngoại của bà Hồng Vân điều hành. Sau đó, vào thập niên 90, bà Nguyễn Thị Sơn, mẹ bà Hồng Vân, làm Tổng giám đốc Legamex, một trong những công ty dệt may xuất khẩu quy mô lớn tại Việt Nam thời điểm đó.

Đến năm 1993, con trai của bà Sơn là ông Nguyễn Hoàng Tuấn sáng lập Sơn Kim. Công ty của gia đình bà Sơn bắt đầu phát triển các thương hiệu nội y, đồ ngủ, đồ mặc ở nhà bằng cách bắt tay liên doanh, nhận nhượng quyền thương hiệu với các đối tác Nhật Bản, Mỹ.

Song song với mảng thời trang, Sơn Kim cũng bắt đầu phát triển lĩnh vực bất động sản từ cuối những năm 90. Chính bà Nguyễn Thị Sơn là người đi đầu trong việc liên doanh với đối tác Hong Kong để xây dựng khu căn hộ cao cấp cho thuê đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1996. Hiện danh mục dự án của Sơn Kim có đủ 3 phân khúc bất động sản nhà ở, văn phòng, nghỉ dưỡng.

Năm 2017, Sơn Kim bước vào cuộc đua trên thị trường bán lẻ khi liên kết với Tập đoàn GS của Hàn Quốc, mở chuỗi cửa hàng tiện lợi GS Retail ở Việt Nam. Trước đó vào năm 2012, tập đoàn này cũng bắt tay đối tác Hàn Quốc để triển khai VGS Shop - một kênh mua sắm trên truyền hình.

Hiện tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Sơn Kim có vốn điều lệ 637 tỷ đồng, do ông Nguyễn Hoàng Tuấn nắm giữ 99,7% cổ phần. Đây là công ty mẹ nắm giữ phần vốn góp ở các công ty con trong hệ sinh thái của Sơn Kim trong các lĩnh vực thời trang, bất động sản, bán lẻ.

5 người con của gia đình bà chủ Sơn Kim hiện theo đuổi những sự nghiệp khác nhau. Con cả Hồng Vân cùng chồng điều hành Nanogen. Ông Hoàng Tuấn là Chủ tịch Sơn Kim Group, Sơn Kim Land, Sơn Kim Mode. Ông Hoàng Anh, con trai thứ sáng lập công ty sản xuất trà, cà phê Golden Mountain. Người con thứ tư là bà Hồng Trang làm thành viên HĐQT Sơn Kim Mode. Con trai út Hoàng Lâm sáng lập thương hiệu thiết kế nội thất Duy Quân.

Ngoài ra, bà Hồng Vân cùng mẹ, em trai và một số thành viên khác trong gia đình còn góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Nam Á (SEADI). Công ty này là chủ sở hữu trường THPT Duy Tân tại TP.HCM.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok