Thể thao

Bóng đá Việt Nam và nỗi lo khi đối thủ “chơi chiêu” tại SEA Games

Chuyện các quốc gia chủ nhà của các kỳ SEA Games dùng “tiểu xảo” để chiếm lợi thế trước và trong các cuộc đấu không còn là điều lạ. Việc Malaysia đặt ra thể thức bốc thăm kỳ dị ở SEA Games 29 tới đây thành ra cũng không mới.

Cả làng thay phiên nhau... chơi chiêu

Và cách tốt nhất để không còn phải quá lo lắng về những “tiểu xảo” chắc chắn chỉ có con đường phát triển thật tốt về mặt chuyên môn.

Có chi tiết không thể không nhắc đến đó là 2 quốc gia ít lên tiếng nhất về thể thức bốc thăm hay thể thức thi đấu ở các kỳ SEA Games là Thái Lan và Singapore, những quốc gia được đánh giá là có nền thể thao phát triển bền vững nhất, thậm chí đã vượt ra xa trình độ khu vực, vươn tầm châu lục và thế giới ở một số môn, một số nội dung.

Có một điều nữa không thể không nhắc, là việc chuyện các quốc gia chủ nhà không bằng cách này thì bằng cách khác dùng tiểu xảo ở các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á là điều quá quen thuộc.

Chuyện các quốc gia chủ nhà giở nhiều chiêu trò ở các kỳ SEA Games không còn là chuyện lạ (ảnh: Trọng Vũ)

Ngay đến bóng đá Việt Nam cũng từng bị phản ứng về thể thức kỳ lạ tại AFF Cup 1998 trên sân nhà. Khi đó, lúc đội tuyển Việt Nam không thể giành ngôi đầu bảng A, BTC đã có quy định ngặt nghèo là buộc các đội đầu bảng phải di chuyển, còn các đội nhì bảng (trong đó có đội tuyển Việt Nam được quyền ở tại chỗ và chỉ việc chờ đối thủ).

Hồi đấy cả làng cầu Đông Nam Á đều không phục quy định vừa nêu, nhưng cuối cùng vẫn chịu nhường đội tuyển chủ nhà. Hay như ở SEA Games 2003, chủ nhà Việt Nam đưa rất nhiều môn lạ với các nước vào chương trình thi đấu (lặn, bắn nỏ, đá cầu chinh…), để lần duy nhất trong lịch sử lên ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương.

Nếu đấy đã trở thành sự việc mang tính thường kỳ thì cũng không nên quá bất ngờ về sự kiện đấy nữa. Và nếu các đại diện của các đội tuyển thể thao Việt Nam còn tham gia sân chơi “ao làng” SEA Games thì cũng cần phải thích nghi với các tiểu xảo đấy.

Còn tham gia là còn phải thích nghi

Đơn cử như trong môn bóng đá nam, chuyện Malaysia đặt ra thể thức bốc thăm kỳ dị, tự chọn bảng đấu nhẹ hơn có lẽ cũng là vấn đề không mới.

Năm 2001, Malaysia khi đó cũng là chủ nhà SEA Games từng đưa ra đề xuất thay đội tuyển quốc gia bằng các đội tuyển U23 nam. Kết quả là ở giải năm đó, lần đầu tiên sau rất nhiều kỳ giải, Malaysia lọt vào trận chung kết (gặp Thái Lan).

Nếu U23 Việt Nam mạnh về mặt chuyên môn thì chúng ta không cần phải ngán các đối thủ (ảnh: Trọng Vũ)

Trước SEA Games năm nay hơn 1 năm, Malaysia lại muốn giảm độ tuổi dự môn bóng đá nam từ U23 xuống U21, sau khi nhận thấy đội tuyển U23 của chính họ trong mấy năm gần đây suy yếu. Độ tuổi chính thức dự SEA Games lần thứ 29 cuối cùng được ấn định là U22, nhưng có thể thấy nước chủ nhà Malaysia không từ bỏ tham vọng dùng tiểu xảo để tăng cơ hội giành huy chương vàng.

Thành ra, động thái chọn bảng đấu cũng chỉ là động thái tiếp theo mà họ thể hiện quyết tâm theo đuổi việc giành ngôi cao bằng mọi giá và bằng mọi cách.

Các liên đoàn cấp quốc gia khác, trong đó có VFF cứ việc phản ứng, nhưng đã gọi “ao làng” thì xưa nay người ta dùng lệ nhiều hơn luật.

Duy chỉ có người khổng lồ của bóng đá Đông Nam Á Thái Lan từ đầu đến cuối sự việc rất ít phản ứng. Có thể Thái Lan tự tin vào năng lực của mình, không quan tâm đến kết quả bốc thăm, cũng có thể người Thái vốn đã xem đây là “ao làng”, và đằng nào thì họ cũng chỉ có một con đường vươn đến bộ HCV môn bóng đá nam, đó là phải chấp nhận đương đầu với mọi đối thủ, vượt qua hết thẩy mọi rào cản.

Bóng đá Việt Nam có lẽ cũng dần quen với việc này. Nếu chúng ta đã không thể thay đổi thông lệ của “ao làng”, đồng thời vẫn muốn tham dự sân chơi đấy, vẫn muốn tìm thành tích thông qua sân chơi đấy, thì cách tốt nhất cho bóng đá Việt Nam là phát triển về mặt chuyên môn, để không phải ngại việc có thể đụng độ bất kỳ đối thủ nào hết!

Tác giả: Trọng Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok