Thể thao

Bóng đá Việt Nam cần làm gì để bắt kịp Thái Lan?

Đấy là vấn đề của bóng đá Việt Nam suốt hơn 20 năm qua, khiến những người làm bóng đá nước nhà luôn trăn trở. Hơn 20 năm từ thời điểm ngỡ như gần bắt kịp bóng đá Thái tại SEA Games năm 1995, cho đến giờ chúng ta vẫn chưa thể ngang với họ.

Cải thiện chất lượng đào tạo trẻ

Sau trận chung kết ở SEA Games lần thứ 18 năm 1995, bóng đá Việt Nam đã đặt ra mục tiêu là phải bắt kịp, rồi vượt qua Thái Lan để lên đứng đầu khu vực. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giữa đôi bên vẫn có khoảng cách.

Năm 2013, lứa U19 Việt Nam của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... nổi lên, thắng U21 Thái Lan tại giải Đông Nam Á. 1 năm sau nữa, tại giải U21 quốc tế 2014 ở Cần Thơ, khi đội U19 HA Gia Lai của các cầu thủ nói trên lại thắng U21 Thái Lan, nhiều người đã nói đến việc bóng đá Việt Nam sẽ vượt Thái Lan bằng lứa ấy.

Tuy nhiên, khi các cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn càng bước vào độ tuổi của bóng đá chuyên nghiệp, thì người ta càng thấy những thiếu sót nơi họ, cũng là thiếu sót của cả nền bóng đá.

Trong khi Thái Lan phát triển bóng đá bằng sự đồng bộ của nhiều lò đào tạo, nhiều sự chọn lựa, thì bóng đá Việt Nam mấy năm gần đây lại tập trung quá nhiều vào một thế hệ và một lò đào tạo duy nhất. Cho đến giờ khi ở vào độ tuổi U22, lứa đấy có nguy cơ tụt lại sau người Thái tại SEA Games 2017.


Bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn những Công Phượng... (ảnh: Trọng Vũ)

Năm 2016, bóng đá trẻ Việt Nam có một số bước tiến, như việc đội tuyển U19 giành quyền dự VCK World Cup U20, hay đội U16 vào VCK giải châu Á. Nhưng gọi đấy là sự phát triển đồng bộ chưa cũng chưa hẳn, bởi ít nhiều thành công của các đội vừa nêu mang tính bất ngờ, tính thời điểm nhiều hơn là sự khẳng định về mặt phát triển hệ thống.

Ví dụ như chuyện nhìn vào các đội tuyển quốc gia cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thấy những trung phong và những trung vệ thật sự xuất sắc, phù hợp về mặt thể hình cũng như có kỹ thuật cơ bản một cách toàn diện. Ngay cả lò đào tạo được khen nhiều nhất nước 3 – 4 năm qua là HA Gia Lai càng thiếu người ở các vị trí vừa nêu.

Sự thiếu hụt đấy nói cho cùng phản ánh sự thiếu toàn diện trong khâu đào tạo. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng VFF, vì khâu đào tạo được hình thành từ các CLB (VFF chỉ nắm vai trò định hướng). Trong khi đó, khá nhiều CLB bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam chỉ quan tâm đến việc duy trì đội một, mà bỏ quên công tác đào tạo trẻ.

Nâng chất giải V-League và hệ thống giải đấu trong nước

Công tác đào tạo trẻ chưa được chú trọng tại nhiều CLB chuyên nghiệp vì khác với việc chuyển nhượng cầu thủ ở đội một dễ mang lại những “cái phết”, “cái phẩy” đằng sau những bản hợp đồng tiền tỷ, việc đào tạo trẻ không thể mang lại lợi ích về mặt kinh tế tức thời cho đại bộ phận bộ máy điều hành các đội bóng.


... hoặc Văn Thanh để phát triển đồng bộ hơn (ảnh: Trọng Vũ)

Đây là những vấn đề các ông chủ cần quan tâm điều chỉnh thuộc cấp của mình, nếu họ thật sự tâm huyết với bóng đá, thật sự muốn xây dựng bóng đá chuyên nghiệp một cách nghiêm túc. Đấy cũng là vấn đề mà VFF cần có định hướng rõ ràng trong việc bắt buộc các CLB muốn thi đấu chuyên nghiệp phải xây dựng hệ thống trẻ như thế nào, thay vì cách làm đối phó như mấy năm qua, đến giải trẻ lại đi mượn quân từ nơi khác.

Muốn bắt kịp người Thái, hay đơn giản là vượt lên so với chính mình, thì khâu quan trọng tiếp theo là cải thiện chất lượng của giải quốc nội.

Giải vô địch trong nước chính là nền tảng, phản ánh sự ổn định của cả nền bóng đá. Chẳng có quốc gia nào trên thế giới đủ sức sinh ra một đội tuyển mạnh, nếu như giải quốc nội của họ èo uột.

Cải thiện chất lượng giải trong nước cũng là điều mà bóng đá Thái Lan từng thực hiện sau khi thua Việt Nam trong trận chung kết AFF Cup 2008, trước khi thay đổi diện mạo của đội tuyển quốc gia trong mấy năm gần đây.

Giải trong nước giàu tính cạnh tranh, ổn định về mặt chất lượng, tạo được nguồn tài chính vững vàng thì đội tuyển mới với vững, mới ổn định và mới giàu sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.

Tác giả bài viết: Kim Điền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok