Bồi lắng Cửa Lạch ngày càng nghiêm trọng hơn |
Cảng Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia) là cảng cá loại 1, số lượng tàu thuyền ra vào hàng năm rất lớn. Theo thống kê, riêng năm 2016 có 3.190 phương tiện cập bến với tổng lượng hàng lên đến 246.000 tấn.
Đây rõ ràng là tín hiệu hết sức đáng mừng, tuy nhiên song song với đó là hàng loạt mối lo thường trực. Nan giải nhất chính là tình trạng bồi lắng cửa lạch gây khó khăn cho quá trình giao thương cũng như lúc neo đậu tránh thiên tai.
Về nguyên nhân, một phần do sự hiện hữu của dải đá ngầm trên sông, bên cạnh đó là hình thành tự phát bến cá, các xưởng sửa chữa tàu thuyền nhỏ lẻ ở xã Hải Bình, hàng loạt cầu cảng gỗ ở xã Hải Thanh cũng như việc các hộ kinh doanh ngang nhiên xây dựng lấn chiếm ra khu vực dọc triền sông.
Bồi lắng cảng Lạch Bạng rất đáng lo ngại, tác động tiêu cực hàng ngày, hàng giờ đến đời sống của ngư dân. Rất nhiều đơn thư phản ánh gửi đến cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, sự việc cũng đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo, tìm phương án xử lý nhưng chẳng đâu vào đâu.
Điều đáng nói là tình hình ngày một nghiêm trọng hơn, đẩy hàng trăm lao động địa phương đứng trước nguy cơ thất nghiệp, ngay đến bản thân các chủ tàu cũng lao đao không biết đường nào mà lần.
Nhiều chủ tàu bỏ luôn cả phương tiện |
Đứng trên con đê chắn sóng thuộc địa bàn xã Hải Bình, phóng tầm mắt ra xa là hình ảnh tàu thuyền nằm “phơi xác” la liệt trên những dãi cát dài. Ngư dân phân trần, trước khu vực này đủ độ sâu cần thiết để các phương tiện ra vào khai thác, bốc dỡ hàng hóa, tránh trú thiên tai, giờ biển cạn trơ khiến việc lưu thông diễn ra ì ạch, có những lúc phải chờ dài cổ nhiều ngày trời khi con nước dâng lên cao mới di chuyển được. Nhiều chủ tàu ngán ngẩm bỏ mặc luôn cả thuyền, bè.
Ngư dân Trần Văn Huấn, trú thôn Liên Thịnh, xã Hải Bình chia sẻ: “Với dân biển chúng tôi, những chuyến vươn khơi là cứu cánh duy nhất. Của nả, mồ hôi, nước mắt đổ hết vào những con thuyền, giờ nằm bờ một chỗ mặc cho nắng mưa huỷ hoại, đau xót lắm”.
Sinh sống nơi đầu sóng ngọn gió, từ nhỏ đến lớn chỉ biết trông chờ vào kinh tế biển, nay tàu thuyền không thể vươn khơi đồng nghĩa với đời sống của ngư dân không được đảm bảo.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đồng (thôn Liên Thịnh, xã Hải Bình) là minh chứng. “Nhà tôi có 2 con tàu công suất 420CV, để có kinh phí triển khai phải bắt buộc phải làm thủ tục vay mượn ngân hàng. Những mong khi đi vào hoạt động sẽ có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống, có ai ngờ sự thể lại ra thế này”, ông Đồng ngán ngẩm.
Việc các hộ dân cơi nới, xây dựng trái phép là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên |
Cảng Lạch Bạng bị bồi lắng nghiêm trọng, ngư dân thiệt đơn, thiệt kép. Nói đâu xa, ngay việc vận chuyển sản phẩm sau đánh bắt cũng là bài toán khó giải, trường hợp chờ triều cường lên thì chất lượng hàng bị ảnh hưởng, nếu thuê phương tiện trung chuyển thì mất thêm chi phí phát sinh.
Ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh xin dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng chưa được đáp ứng.
Đơn vị chuyên ngành đã tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì, nạo vét trình lên các cấp liên quan, thế nhưng sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, dự án đến nay vẫn trong tình trạng án binh bất động.
Điều này rõ ràng đi ngược lại nội dung mà Nghị định số 17/2018/NĐ-CP về “một số chính sách phát triển thủy sản” hướng đến.
Cụ thể, tại khoản 2, điều 1 ghi rõ: “Ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, bao gồm hệ thống cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành…”
Tác giả: VIỆT KHÁNH
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam