Ba giáo viên ở Hòa Bình đã bị khởi tố vì liên quan đến việc nâng điểm thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. |
Lo rủi ro khâu coi thi
Những năm qua, sau mỗi mùa thi THPT quốc gia kết thúc, vẫn xuất hiện những dư luận cho rằng xảy ra tình trạng nơi coi thi lỏng, nơi coi chặt và nghi ngờ về sự công bằng của kỳ thi.
Năm 2018, tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 được phát hiện chủ yếu xảy ra ở khâu chấm thi. Vì vậy, năm 2019, Bộ GDĐT đã tập trung các giải pháp để siết chặt khâu này bằng nhiều quy định, trong đó có việc giao khâu chấm thi trắc nghiệm cho các trường đại học. Các Sở GDĐT tiếp tục phối hợp tổ chức kỳ thi tại địa phương và thực hiện khâu chấm bài thi tự luận.
Việc Bộ GDĐT “buông” chấm thi tự luận khiến nhiều ý kiến băn khoăn sẽ dễ nảy sinh gian lận. Một khâu khác cũng gây nhiều lo ngại là công tác coi thi. Liệu có xảy ra tình trạng giáo viên địa phương sẽ “nhẹ tay” với học sinh của địa phương mình?
Trao đổi về vấn đề này trong buổi thông tin báo chí vào sáng 11.5 về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc 2019, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) thừa nhận, khâu coi thi là rủi ro nhất.
Xác định như vậy, Bộ GDĐT có những giải pháp cho vấn đề này, trong đó có việc bốc thăm khách quan việc phân công phòng coi thi cho cán bộ làm nhiệm vụ.
“Trước mỗi buổi thi, trưởng điểm thi tổ chức phân công cán bộ coi thi vào các phòng thi bằng cách bốc thăm để đảm bảo khách quan. Đồng thời sẽ phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi.
Quan trọng nhất là cán bộ coi thi, người giám sát có làm tròn trách nhiệm của mình không. Mỗi phòng thi có 24 em và sẽ có 2 cán bộ coi thi. Như vậy mỗi cán bộ coi thi 12 em. Bất kỳ động thái nào của thí sinh trong phòng có thể dễ dàng quan sát, hoàn toàn có thể phát hiện, ngăn chặn nếu cán bộ coi thi làm tròn trách nhiệm của mình” - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng Mai Văn Trinh: Khâu coi thi là rủi ro nhất. |
Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi. Đặc biệt với các trường đại học, do không nắm rõ quy chế, năm 2018 đã xảy ra tình trạng cán bộ được phân công giám sát, thanh tra rời vị trí, tạo kẽ hở để các đối tượng thực hiện gian lận.
“Với những cán bộ vi phạm quy chế, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh công nghệ dù đủ đầy nhưng vẫn là do con người, ý thức pháp luật của người thực hiện. Những người tham gia tổ chức thi phải làm hết trách nhiệm vì danh dự của mình và sự công bằng cho tất cả thí sinh”- Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng Mai Văn Trinh khẳng định.
Chấm kiểm tra bài Ngữ văn điểm cao để phòng gian lận
Năm 2018, ba địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, khi chấm thẩm định môn Ngữ văn đều phát hiện ra bài thi được nâng điểm, có bài được nâng tới 4,5 điểm. Có trường hợp thí sinh bị cán bộ chấm thi cộng nhầm điểm…
Về lo ngại gian lận ở khâu chấm bài thi tự luận, Bộ GDĐT cũng có những giải đáp. Ông Mai Văn Trinh cho biết, năm 2019, Bộ GDĐT có những quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập bài thi môn Ngữ văn.
Ngoài ra, để ngăn chặn, phát hiện gian lận, năm 2019 sẽ thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao môn Ngữ văn sẽ phải được chọn để chấm kiểm tra.
Đồng thời, Bộ sẽ yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi Ngữ văn; tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập. Sau đó sẽ tiến hành đối chiếu để đảm bảo không có sai sót mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống và thông báo đến thí sinh.
Tác giả: ĐẶNG CHUNG - HUYÊN NGUYỄN
Nguồn tin: Báo Lao động