Sáng 2/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống Covid-19 tại điểm cầu Bộ Y tế ở TPHCM. Hội nghị kết nối đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng cho biết chỉ trong một thời gian rất ngắn, số ca mắc tăng rất cao. Biến thể này Delta lây nhanh, mạnh, lan rộng và khó kiểm soát. Không những thế nó còn kéo dài.
"Chúng ta rất khó đưa con số mắc về con số không, nhất là những địa bàn đang ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này như TPHCM hay một số địa phương khác. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị cho một trận chiến không những phải nhanh hơn mạnh hơn mà còn phải bền bỉ. Trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục công cuộc phòng chống dịch", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Theo Bộ trưởng có nhiều bài học, kinh nghiệm về phòng chống dịch cả thành công, thất bại mà các địa phương cần tiếp thu để chuẩn bị cho địa phương mình.
"Làm sao khi dịch xảy ra như Thủ tướng đã nói không có hoảng loạn, không có ngỡ ngàng, không có hoang mang. Đây là điều chúng ta phải hết sức lưu ý. Trong đợt dịch thứ 4 này, ở một vài địa phương rất cố gắng nhưng khi dịch xảy ra vẫn có cái chuẩn bị chưa chu đáo", Bộ trưởng nói.
Có rất nhiều địa phương có cách làm hay trong phòng chống dịch, nhưng cũng có nhiều địa phương trong xây dựng kịch bản phòng chống dịch trên địa bàn đã chưa tính hết những tình huống có thể xảy ra dù Bộ Y tế đã cảnh báo rất nhiều lần về biến thể Delta. Bộ trưởng cho rằng hầu hết tại nhiều địa phương, kịch bản chuẩn bị đều thấp hơn thực tế, có địa phương chuẩn bị kịch bản cao nhưng cũng chưa tính hết thực tế.
Vì thế, các địa phương cần hết sức lưu ý đến năng lực ứng phó, đặc biệt trong vấn đề xét nghiệm và điều trị. Quan điểm chung là phải 4 tại chỗ. Thực tế, một số địa phương khi xảy ra dịch đều rất khó đáp ứng theo tốc độ lây nhiễm.
Phân tầng điều trị phù hợp, rà soát nhân lực hồi sức
Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề điều trị, phải chuẩn bị hết sức bài bản để không bị bỡ ngỡ. Năng lực ứng phó của y tế địa phương chưa đáp ứng khi có nhiều ca nhiễm trong một thời điểm. Vì thế cần chuẩn bị một phương án cao hơn, trong đó có vấn đề tiếp nhận, quản lý các F0 không có triệu chứng; vấn đề điều trị bệnh nhân có triệu chứng, ca nặng.
Bộ Y tế đã ban hành rõ về 3 tầng tháp trong điều trị. Tầng 1 là quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chiếm khoảng 80% số bệnh nhân. Những trường hợp này, các địa phương không nên sử dụng các cơ sở y tế mà nên lựa chọn đơn vị cách ly là khu vực cách ly F1, nơi lưu trú… có diện tích và khả năng. Với nhóm bệnh nhân này chỉ tiến hành theo dõi, giám sát, trong 7 ngày làm xét nghiệm. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết.
Tầng 2 là nơi điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình. Cơ sở điều trị là bệnh viện hạng 2, hạng 3- tức là tuyến quận, huyện trở lên. Tầng 3 là tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.
"Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản", Bộ trưởng Long lưu ý.
Quan điểm chung là đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt để giảm lây nhiễm trong cộng đồng, làm xét nghiệm sàng lọc tầm soát. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề chuẩn bị về nhân lực, máy thở, ôxy... Các tỉnh cần rà lại hết nhân lực kể cả công, tư, số người sử dụng được máy thở, tập huấn đào tạo nhân lực làm hồi sức cấp cứu…
Tác giả: Nam Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí