Chiều 22/6, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện cuộc kiểm tra tại tỉnh Bắc Ninh về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng, Chính phủ giao cho địa phương.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc làm việc với UBND tỉnh |
“Kẹp” phong bì cũng không biết đưa ai!
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khái quát, từ 1/1/2017 tới nay, Bắc Ninh được giao 271 nhiệm vụ, tới nay chỉ còn 62 nhiệm vụ chưa thực hiện nhưng đó là những nhiệm vụ vẫn còn trong hạn. Như vậy, tới lúc này, tỉnh không có nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Bắc Ninh cũng đạt những kết quả khả quan về phát triển kinh tế khi mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 17%, thu ngân sách tăng 21,6%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại tỉnh cũng tích cực khi nông nghiệp hiện chỉ còn 3%. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, cơ cấu kinh tế này là mơ ước của các địa phương.
“Trước đây ở địa phương (nhiệm kỳ trước, ông Mai Tiến Dũng là Bí thư tỉnh uỷ Hà Nam – PV), tôi hay mò mẫm đi học Bắc Ninh về cách làm các khu công nghiệp, gọi chính xác là “học mót”, không có gì phải giấu dốt cả. Vấn đề quan trọng là đi học về chúng tôi bắt tay vào làm chứ không chỉ để đấy” – Tổ trưởng tổ công tác chia sẻ.
Với định hướng Bắc Ninh đang được Chính phủ giao xây dựng đề án để tỉnh trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương vào năm 2022 thì đây là những điều kiện rất tốt để địa phương thực hiện thành công nhiệm vụ.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiểm tra tại trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh |
Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tới địa phương. Thủ tướng lưu ý những việc Bắc Ninh cần làm để sớm thực hiện được mục tiêu đề ra. Việc đưa tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng là mong mỏi, nguyện vọng lớn của người dân trong tỉnh.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng khen ngợi Bắc Ninh vì có nhiều sáng tạo, đổi mới, mạnh tay loại bỏ quyền lợi của các sở, ngành. Ông Mai Tiến Dũng dẫn chứng việc hỏi một người dân đang làm thủ tục, giấy tờ về đất đai tại trung tâm hành chính công của tỉnh là nếu kẹp phong bì vào sổ như trước đây, có đưa được tới đúng “cửa” Sở Tài nguyên – Môi trường không? Người này đã giải thích, không cần làm như thế, cơ bản vì có đưa tiền thì cũng không biết đưa cho ai, ai sẽ là người tiếp nhận, giải quyết việc đó.
Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Bắc Ninh là mạnh mẽ, quyết liệt, Bộ trưởng Dũng cho biết, Bí thư, Chủ tịch tỉnh nhắn tin, gọi điện cho ông về các công việc liên lục. Theo ông, không phải địa phương nào cũng có được sự đoàn kết, nỗ lực và phối hợp sát sao như vậy của lãnh đạo tỉnh mà nhiều nơi mặc nhiên coi đó là việc của UBND.
Tuy nhiên, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng cũng lưu ý Bắc Ninh 4 vấn đề phải hết sức quan tâm như vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai, khiếu nại tố cáo, an sinh và trật tự xã hội.
Đô thị công nghiệp mà thu nhập bình quân chỉ 6,1 triệu đồng?
Trao đổi thêm về các nội dung tổ công tác nêu ra, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến bày tỏ cảm kích về việc các cơ quan trong Văn phòng Chính phủ đã cùng xắn tay hỗ trợ tỉnh, coi việc của Bắc Ninh như việc của mình để giải quyết được nhanh gọn, thông suốt nhất có thể.
“Tôi xin lỗi về những tin nhắn, cuộc điện thoại ngoài giờ làm việc với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Dù phiền hà, các đồng chí vẫn sẵn sàng tiếp nhận, giải quyết ngoài giờ để tạo điều kiện cho Bắc Ninh có được nền tảng như hôm nay” – ông Chiến xác nhận chuyện sốt sắng nhắn tin, gọi điện mà ông Mai Tiến Dũng đề cập.
Bí thư Bắc Ninh cũng thông tin khái quát, tỉnh đang xây dựng đề án đưa Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc TƯ để trình Bộ Chính trị cho chỉ đạo về chủ trương. Tỉnh cũng đang thực hiện các bước xây dựng một thành phố thông minh nữa, tập trung ưu tiên thực hiện với 6 lĩnh vực. Ông Chiến nhận định, về cơ bản Bắc Ninh đã thành một tỉnh công nghiệp và có thể coi như một thành phố trực thuộc Trung ương vào thời điểm này.
TS Nguyễn Đình Cung (đứng) và Trần Đình Thiên, các thành viên trong Ban Tư vấn của Thủ tướng tham gia cuộc kiểm tra của Tổ công tác |
Còn băn khoăn về điểm này, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh, giữ mức tăng cao thì Bắc Ninh mới vượt trội, đột phá lên được. Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh hoạt động tốt nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để nâng cấp lên hơn nữa, không chỉ là để phục vụ người dân một cách thuận lợi phải xem đây là nguồn lực cho phát triển vì hiện nay thông tin đã thành một công cụ sản xuất, một nguồn lực to lớn cho phát triển.
Nhưng vấn đề tích tụ đất đai tại Bắc Ninh, ông Cung nhận xét, vẫn “hẻo” quá. Đáng ra, việc này phải thực hiện theo cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán, chứ không phải theo quy trình hành chính như hiện nay. “Nếu làm được như thế thì giá trị tài sản của những người nông dân ở địa phương này phải tăng nhiều lần và đó là nguồn lực rất lớn cho phát triển. Thí nghiệm thành công vấn đề này thì đây sẽ là cơ sở tốt cho việc sửa luật Đất đai tới đây, để xây dựng một thị trường quyền sử dụng đất đầy tiềm năng” –TS Cung gợi ý.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thì lo, kết cấu đô thị của Bắc Ninh chưa có gì cả. Theo ông, đô thị Bắc Ninh có khang trang nhưng chưa có gì để tự hào, thậm chí có thể thấy trước nguy cơ quá tải. Điều kiện để hình thành một thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó, chưa căn bản.
Mặt khác, nhìn vào thu nhập của 291.000 lao động tại các khu công nghiệp, trung bình đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng, ông Thiên cũng chỉ rõ, không có gì là cao.
“Vậy đẳng cấp đô thị của Bắc Ninh là gì. Mức độ phát triển công nghiệp đo qua chỉ số thu nhập như thế chưa thể yên tâm về lâu dài. Công nghiệp ở đây cũng mới chủ yếu là lắp ráp, chưa có phần công nghệ cao của chúng ta trong đó. Có lẽ không thể quá hài lòng với việc này được” – TS. Thiên cho rằng, cần đặt ra như là trọng tâm của giai đoạn mới là Bắc Ninh phải làm gì để trở thành một trung tâm công nghệ cao của cả nước .
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí