Trong nước

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Tôi có mang lợi ích về nhà mình đâu!”

“Trong công việc, chuyện va chạm là bình thường nhưng vấn đề là sao để lợi ích không mang về nhà ai cả. Tôi có mang lợi ích về nhà tôi đâu! Tôi làm cái này, đôn đốc cái kia không phải cho cá nhân tôi” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi trong cuộc trò chuyện trước thềm năm mới.

Cấm quà tết là lợi ích vật chất, lợi dụng biếu xén để tiêu cực

- Năm mới sắp đến, chuyện lo quà tết, đi tết lại là mối bận tâm của người dân, doanh nghiệp. Quà tết lâu nay đã thành thói quen, thành thông lệ. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về việc này?

- Văn hoá quà tết tốt đẹp chứ không có gì xấu. Tết đến xuân về gặp nhau vui vẻ, mời nhau chén rượu, con cái tặng quà bố mẹ, cháu chắt tặng quà ông bà, cô chú, người lớn mừng tuổi cho trẻ con, rồi trò đến thăm thầy, cảm ơn, tri ân những người đã giúp mình trưởng thành lên… là truyền thống tốt đẹp.

Tuy nhiên, trong thực tiễn xã hội thì quà tết không có nghĩa hoàn toàn tốt như thế. Đôi khi có chuyện lợi dụng quà tết, tranh thủ nọ kia. Đó là chuyện tiêu cực chứ không phải quà tết. Vì vậy, Tết năm ngoái, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm cấm các Bộ ngành địa phương kéo lên Hà Nội chúc tết, lãnh đạo không được nhận quà tết. Đây là nói quà lợi dụng việc biếu xén để tranh thủ cơ hội, có động cơ không tốt chứ không phải quà văn hoá.

Vừa qua Thủ tướng cũng chỉ đạo nghiêm cấm nhận xe biếu tặng của doanh nghiệp, cấp biển xanh không đúng đối tượng cho doanh nghiệp. Khi có những thông tin không tốt về việc này, Thủ tướng đã chỉ đạo làm rõ và cơ quan công an đã thực hiện tốt yêu cầu này của lãnh đạo Chính phủ. Rồi việc cấm cán bộ đi lễ hội trong giờ hành chính, dùng xe công đi lễ chùa, cấm uống rượu... đã thành trào lưu tốt.

Ông Mai Tiến Dũng: "Nói làm Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ai cũng thích nhưng đơn cử như hoạt động tiếp xúc báo chí, phát ngôn hàng ngày thì ai cũng… ngán".

- Để chuẩn bị cho Tết nguyên đán Mậu Tuất năm nay, Ban Bí thư có chỉ thị nghiêm cấm việc tặng quà “tết sếp”. Chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ít ngày trước, Thủ tướng cũng một lần nữa nhắc nhở Bí thư, Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các địa phương “đừng lo biếu xén, lễ tết trung ương nữa”. Văn phòng Chính phủ sẽ triển khai chỉ đạo này thế nào?

- Thủ tướng cũng giao cho Văn phòng Chính phủ tiếp tục xây dựng chỉ thị của Thủ tướng về việc chuẩn bị Tết năm nay để sớm ban hành, triển khai thực hiện, trong đó tiếp tục có quy định cấm tặng quà tết cho cấp trên. Tôi vẫn nhấn mạnh, quà ở đây là những lợi ích vật chất mang tính lợi dụng việc biếu tặng để mặc cả những chuyện tiêu cực.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng hết sức quan tâm đến chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, đối tượng cơ nhỡ cô đơn, gia đình nghèo. Yêu cầu các bộ ngành địa phương theo chức năng của mình quan tâm đến đối tượng đặc biệt để Tết đến với mọi nhà, mọi người, để không gia đình nào, không ai không có tết và không để đói kém ở bất kỳ chỗ nào.

"Thủ tướng dặn tôi, đủ hồ sơ là phải giải quyết, không cần biết của doanh nghiệp nào"

- Vấn đề quà Tết, Thủ tướng đã có chỉ đạo không chúc tết trung ương tạo hiệu ứng rất tốt. Nhưng dư luận vẫn nghi ngại, việc chúc tết, tặng quà có thể biến tướng, chuyển từ công khai sang bí mật và không tặng vào dịp tết nữa mà tặng trước hoặc sau Tết?

- Tôi cho là, trước Tết hay sau Tết thì vẫn là quà Tết. Đúng là người ta vẫn lăn tăn, vẫn nghĩ rằng, dù có quy định cấm như vậy nhưng việc thực hiện chỗ này chỗ khác chưa nghiêm.

Vậy nên khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2017), Thủ tướng đã khuyến cáo, doanh nghiệp không được đến hối hộ chính quyền. Việc này cần tác động từ hai phía, anh nhận hối lộ và anh đưa hối lộ. Trong Tết, quy định này càng phải chấp hành nghiêm.

Trong quá trình làm việc nếu ta luôn luôn minh bạch, tạo thuận lợi thì rõ ràng người ta không phải đến. Anh gây khó khăn cản trở, người ta không gặp thì nay mai cũng chết. Nếu mình tạo ra sự công tâm thì người ta không đến nữa.

Thủ tướng cũng nói, Văn phòng Chính phủ cần quán triệt, văn bản, hồ sơ đến đây, cứ đầy đủ, đúng thẩm quyền thì phải xử lý ngay, không cần biết đó là của doanh nghiệp nào. Thủ tướng vẫn nhắc tôi thế và chúng tôi nhắc lại anh em Văn phòng Chính phủ đúng như vậy.

- Nội dung trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thủ tướng, như Bộ trưởng trao đổi, là doanh nghiệp không “đưa hối lộ” chính quyền nhưng theo lẽ thường, lý gì doanh nghiệp phải làm việc đó?

- Thủ tướng nói ý này rất sâu sắc bởi thực tế có những doanh nghiệp cũng có ý tứ lợi dụng, “tranh thủ”, dù đã được giải quyết tốt nhưng họ lại muốn được thêm cái này, ưu tiên cái kia ngoài quy định nên mới tìm đến chính quyền “chạy chọt”, đi cửa sau.

Việc thay đổi hành vi thì phải đến từ nhiều phía, trước hết là từ một Chính phủ liêm chính, một hệ thống cơ quan nhà nước liêm chính. Nếu mọi công việc thực hiện một cách minh bạch, công khai, không có rào cản, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được xử lý trong hạn định thì chắc chắn không ai cần tìm đến chính quyền để hối lộ.

Nhưng không thể làm ngay một lúc được mà quan trọng nhất là chuyển biến dần từ tư tưởng. Trong chính sách, nếu như chúng ta đáp ứng được việc như vậy thì người ta cũng không cần nhận hối lộ, không cần tham nhũng, và người ta không muốn tham nhũng. Hay như việc xây dựng Chính phủ điện tử, khi thực hiện được ở cấp độ 4 (giải quyết thủ tục qua mạng – PV) thì người dân, doanh nghiệp không còn phải đến cơ quan công quyền, không phải xếp hàng, không phải lên Hà Nội nữa mà mọi việc có thể thao tác qua mạng, tức ngăn chặn việc tiếp xúc giữa công chức nhà nước với người cần cung cấp dịch vụ, cũng sẽ giúp hạn chế hiện tượng đưa – nhận hối lộ.

- Bênh vực “quà tết” với ý nghĩa văn hoá, truyền thống của từ này như vậy, Bộ trưởng chắc cũng có ý định tặng quà cho những người xung quanh dịp Tết này?

- Tôi thấy nhiều nơi có văn hoá quà, quà có thể chỉ đơn giản, không mang tính giá trị nhưng có ý nghĩa sâu xa, là lời cảm ơn với những người đã hỗ trợ, sát cánh với mình suốt cả năm và chúc năm mới tiến bộ. Nếp văn hoá tốt như thế thì nên giữ chứ.

Mỗi năm Tết đến, tôi đều rất cảm ơn những người cộng sự của mình, không không phải chỉ là các lãnh đạo cấp cao hơn mà còn là anh em cấp dưới, cả những người lao công, bảo vệ ở cơ quan. Tất cả làm việc tốt cũng chính là giúp mình hoàn thành công việc cả năm. Rồi với bạn bè, thầy cô hay anh em báo chí cũng vậy, mọi sự có mặt, hỗ trợ, động viên đều rất quan trọng.

Tôi thì nghĩ lời cảm ơn chân thành gửi đến mọi người cũng là một món quà, không chỉ là vật chất, tiền bạc. Văn hoá Việt Nam ta, ông bà vẫn nói “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là thế. Lời cảm ơn xuất phát từ tấm lòng, từ sự tri ân chân thành mới là quan trọng.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

“Làm Bộ trưởng ai cũng thích, làm người phát ngôn thì ai cũng… ngán!”

Nói về sự cảm nhận khi đã bước sang năm thứ 3 của nhiệm kỳ Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi làm việc bên cạnh một vị Thủ tướng đầy nhiệt huyết, các lãnh đạo Chính phủ rất năng động, ông Mai Tiến Dũng chia sẻ áp lực thấy rõ, vì không thể không làm tốt được.

“Nói làm Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ai cũng thích nhưng đơn cử như hoạt động tiếp xúc báo chí, phát ngôn hàng ngày thì ai cũng… ngán. Nếu không có bản lĩnh, không có tâm huyết, không chịu xem, chịu đọc, chịu nhớ, không nắm đầy đủ thông tin sẽ rất dễ gặp sự cố. Trong công việc, chuyện va chạm là bình thường nhưng vấn đề là sao để lợi ích không mang về nhà ai cả. Tôi có mang lợi ích về nhà tôi đâu. Tôi làm cái này, đôn đốc cái kia không phải cho cá nhân tôi. Vậy nên áp lực, sức ép chính là vì công việc và ai ở cương vị đó cũng vậy” – người phát ngôn Chính phủ nói.

Hơn nữa, Thủ tướng là một người quyết tâm hành động, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và cả Văn phòng cũng không thể làm khác được. “Áp lực không chỉ riêng tôi mà tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều áp lực, vì một Chính phủ hành động thì cả hệ thống phải hành động chứ không phải riêng tôi. Tôi chỉ là một hạt cát trong biển cát” – Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok