Trong nước

Bộ trưởng Công Thương: "Từng bước xoá độc quyền của EVN là chuyện chắc chắn phải làm"

Bên cạnh việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện, Nhà nước vẫn giữ vai trò độc quyền lưới điện cao áp và siêu cao áp, độc quyền điều độ điện.

Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Tại tổ thảo luận số 3, liên quan đến Luật Điện lực, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, xã hội hoá trong truyền tải điện là vấn đề rất quan trọng. Dự thảo luật có nêu quy định “Nhà nước độc quyền trong vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”, tuy nhiên, ông cho rằng, yếu tố về xã hội hoá được thể hiện rõ ràng.

“Vấn đề đặt ra là khả năng thu hút xã hội hoá trong lĩnh vực truyền tải điện mà Nhà nước không độc quyền thì truyền tải được đến đâu? Và quan trọng hơn là chúng ta định thu hút vào lĩnh vực truyền tải điện ở phạm vi như thế nào thì chưa có”, ông Giang nêu vấn đề.

Các đại biểu thảo luận tại tổ 3.


ĐBQH Hoàng Thanh Tùng (đoàn Sóc Trăng) đánh giá, mặc dù bây giờ Luật Điện lực chưa sửa, nhưng đã có cơ chế để các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà máy điện, đầu tư luôn hệ thống truyền tải để có thể kết nối hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Ông Tùng nhìn nhận: “Chúng ta khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện nhưng vẫn phải đảm bảo độc quyền của Nhà nước về truyền tải điện”.

Dẫn giải điều này, ông Tùng cho biết đây là nội dung đã được khẳng định trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, bởi nó có liên quan đến an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng, cho nên vẫn phải đảm bảo độc quyền Nhà nước trong bối cảnh có đầu tư tư nhân được khuyến khích vào phát triển hạ tầng điện lực.

Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo sự vận hành độc lập, tách bạch với độc quyền Nhà nước về truyền tải điện của Trung tâm điều độ hệ thống điện lực Quốc gia (A0).

Cùng thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, khó khăn vướng mắc hiện nay chính là giải toả công suất của các nhà máy điện gió, tiếp đến là khai thác tiềm năng ở các cùng và đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng của các nước.

Nói về phạm vi giao cho tư nhân đầu tư xây dựng quản lý vận hành điện, ông Diên cho biết, phạm vi cho phép là chỉ đầu tư vào hệ thống đường dây và trạm biến áp từ 220 kV trở xuống. Còn đối với 220kV trở lên ở những vùng trọng điểm, trọng yếu về kinh tế, quốc phòng cho đến các hệ thống truyền tải cao áp 500 KV thì thuộc phạm vi của Nhà nước.

“Dù là Nhà nước hay tư nhân đầu tư thì đều phải tuân thủ theo quy định về đầu tư, về xây dựng, điều độ và vận hành hệ thống điện theo tiêu chuẩn an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Về giá truyền tải điện, theo Bộ trưởng đây giá áp dụng cho Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho nên là dù là Nhà nước hay tư nhân đầu tư thì lợi nhuận chỉ được phép 3% trong giới hạn hiện nay, còn sau này cũng có thể sẽ xem xét điều chỉnh thêm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến tại phiên họp tổ.

Về hoạt động quản lý Nhà nước trong tổ chức vận hành ngành điện theo Nghị quyết 55, Bộ trưởng nhấn mạnh Nhà nước độc quyền trong điều độ điện, tức là điều độ điện cho đất nước, cho vùng miền được thực hiện bởi Trung tâm điều độ hệ thống điện lực Quốc gia (A0) dưới sự chỉ huy trực tiếp là EVN. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi tách Trung tâm này hoạt động độc lập thì Bộ Công Thương sẽ phụ trách chỉ huy.

“Từng bước xoá độc quyền của EVN là điều chắc chắn phải làm, đây là chuyện phải khẳng định rõ ràng. A0 hiện nằm ở EVN nên tác động của EVN còn lớn, nay mai khi tách ra độc lập là một thành viên và dưới sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Bộ Công Thương thì câu chuyện nó sẽ khác”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương dẫn giải, Nhà nước sẽ độc quyền ở hệ thống truyền tải những đường dây cao áp và siêu cao áp, độc quyền trong việc điều độ điện; kiểm soát thông qua đầu tư quản lý vận hành hệ thống điện. Nhà nước còn quản lý về tiêu chuẩn kỹ thuật quy trình đầu tư trong ngành điện thông qua các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Điện lực và các luật có liên quan.

“Nhà nước điều độ hệ thống điện cho nên sẽ bảo đảm cân đối giữa các vùng miền, bảo đảm an ninh về năng lượng, an ninh quốc gia”, ông nói.

Nói về giá điện, Bộ trưởng cho biết, các doanh nghiệp sản xuất điện thì phải tham gia đấu giá để cung cấp điện. “Với giá trần của Nhà nước quy định, anh nào đấu giá thấp hơn thì Nhà nước mua, anh nào cao hơn thì Nhà nước thôi, cho nên anh phải tính hiệu quả lỗ lãi để quyết định việc đầu tư hay không đầu tư. Và việc áp dụng các giá điện do các cấp thẩm quyền quyết định”, Bộ trưởng cho hay

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok