Xã hội

Bộ TN-MT: Dải nước đỏ ở Hà Tĩnh là do tảo nở hoa

Bộ Tài nguyên - Môi trường cho hay vệt nước đỏ xuất hiện ở cảng Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Cảng Sơn Dương của Công ty Formosa là do hiện tượng tảo nở hoa, hay còn gọi là thủy triều đỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả kiểm tra hiện tượng nước biển xuất hiện dải màu đỏ tại khu vực cảng Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa.

Theo báo cáo trên, trong các ngày ngày 19.1 và ngày 18.2, tại khu vực Cảng Vũng Áng (từ gần Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đến khu vực các hộ kinh doanh bè nổi tại Cảng Vũng Áng) và khu vực đê chắn sóng cảng Sơn Dương xuất hiện nhiều dải nước màu đỏ và nổi bọt, đồng thời trên mạng xã hội Facebook xuất hiện 1 đoạn clip quay một họng xả nước màu đỏ không rõ vị trí và cho rằng đó là họng xả của Formosa.

Ngay sau khi nhận được các thông tin nêu trên, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tổ giám sát của Bộ và Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước biển để phân tích (mẫu thực vật phù du được gửi Viện Tài nguyên - Môi trường biển Hải Phòng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phân tích).
Vệt nước màu đỏ hồ xuất hiện tại cảng Sơn Dương hôm 18.2
Kết quả phân tích 4 mẫu nước biển tại cảng Vũng Áng, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ, nhận thấy: thông số Amonia vượt từ 4,52 đến 91,5 lần (trong đó mẫu có nước màu đỏ vượt 91,5 lần, mẫu nước không có màu đỏ cách bờ 650 m vượt 4,52 lần); 1 mẫu nước biển màu đỏ lấy gần bờ có Mn vượt 1,66 lần, Fe vượt 2,8 lần và Phenol vượt 10,3 lần; các thông số khác và mẫu còn lại đều đạt quy chuẩn cho phép.

Tại cảng Sơn Dương có Amonia vượt 31,2 lần. Các thông số ô nhiễm khác đều đạt quy chuẩn cho phép.

Kết quả phân tích thực vật phù du trong 3 mẫu nước tại cảng Vũng Áng (điểm sát bờ, cách bờ 500 m và 1.000 m) và 1 mẫu tại Cảng Sơn Dương nhận thấy có sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao. Vệt nước màu đỏ hồng tại Cảng Vũng Áng mật độ đạt khoảng 46 tế bào/lml (tương ứng khoảng 46.000 tế bào/1 lít nước biển) và vệt nước màu đỏ tại Cảng Sơn Dương mật độ đạt khoảng 135 tế bào/lml (tương ứng 135.000 tế bào/1 lít nước biển).
Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh xác định Formosa không có cống xả nước thải màu đỏ nào như clip trên mạng
Trong thời gian vừa qua, có hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (sự nở hoa của nước hay còn gọi là thủy triều đỏ) tại khu vực sát bờ của Cảng Sơn Dương và Cảng Vũng Áng. Qua khảo sát các mẫu thu ngày 18.2 thấy rằng, tảo này đã bắt đầu tàn lụi. Theo các tài liệu nghiên cứu đã có trên thế giới, loài tảo Noctiluca scintillans sau khi tàn lụi thường giải phóng ra Amonia ở nồng độ cao trong môi trường nước. Hiện tượng này rất phù hợp với kết quả phân tích chất lượng nước biển tại hai khu vực trên.

Về clip họng (cống) xả nước trên mạng xã hội, ngày 20.2, đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với Tổ giám sát của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Viện Công nghệ môi trường tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường khu vực cảng Sơn Dương và dọc theo bờ biển trong Formosa, nhận thấy không có bất kỳ họng xả nào của công ty này thải ra biến.

Nước thải của Formosa chỉ có một đường xả thải ngầm duy nhất ra biển, các hệ thoát nước mặt và nước mưa trong phạm vi đều thải vào 3 kênh hở thoát nước mưa trước khi thải ra biển. Đoàn kiểm tra xác định clip này là không đúng, được ghép với một họng xả khác. Theo thông tin của một số cơ quan báo chí và truyền hình, hình ảnh này được quay cách đây 2 năm tại cầu cảng số 4 của Cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng.

Tác giả bài viết: Phạm Đức

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok