Trong nước

Bộ Tài nguyên: 'Bùn nhận chìm xuống biển Bình Thuận không phải chất thải'

Báo cáo trước HĐND Bình Thuận về việc nhận chìm gần triệu m3 bùn xuống biển, đại diện Bộ Tài nguyên cho rằng đã xem xét kỹ mới cấp phép.

Chiều 13/7, ông Phạm Ngọc Sơn - Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường báo cáo trước HĐND Bình Thuận việc cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1) nhận chìm gần một triệu m3 bùn xuống biển Vĩnh Tân.

Vùng biển Vĩnh Tân, nơi được cấp phép nhận chìm một triệu vật, chất. Ảnh: Tiên Thành

Vùng biển Vĩnh Tân, nơi được cấp phép nhận chìm một triệu m3 bùn. Ảnh: Thành Nguyễn.

Theo ông Sơn, việc nhận chìm "vật chất" nạo vét ở biển được pháp luật cho phép. Trước khi cấp phép, Bộ đã mất một thời gian để rà soát các quy định, xem xét cụ thể thấu đáo những tiêu chí, báo cáo tác động môi trường và khẳng định "vật chất" mà Công ty Vĩnh Tân 1 nhận chìm gồm bùn cát, vỏ sò, trầm tích sau khi nạo vét trước bến, vũng quay tàu trước cảng chứ không phải chất thải trong quá trình sản xuất của công ty.

Cũng theo đại diện Bộ, việc để các "vật chất" này trên bờ sẽ khiến đất nhiễm mặn. "Chúng tôi đã lường trước tác động có thể xảy ra khi một lớp bùn cát phủ lên rạn san hô gây nước biển đục, nên khi thi công chúng ta cần giảm mức thấp nhất thiệt hại nếu có", ông Sơn nói.

Trong khu vực nhận chìm, ông Sơn cho biết sẽ lắp đặt 13 điểm quan trắc nhằm giám sát, nắm bắt các thông số nền của biển và hóa chất khác trong nước khi thi công. Khi một trong 13 vị trí quan trắc phát hiện số liệu vượt ngưỡng thì chủ đầu tư phải dừng ngay.

Ông Sơn cho rằng Bộ sẽ giám sát theo giấy phép từ vị trí, chất nạo vét, khối lượng trên sà lan, đường đi... UBND tỉnh Bình Thuận cũng thành lập tổ giám sát đặc biệt, cùng với Viện Hải dương học Nha Trang được chỉ định giám sát độc lập.

"Bộ quan niệm phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường. Do vậy việc cấp phép và giám sát luôn được thực hiện thận trọng. Trước nhiều ý kiến phản biện quan tâm môi trường, chúng tôi đang bàn với Viện Hàn lâm khoa học đánh giá lại một lần nữa…", ông Sơn khẳng định.

Trước báo cáo của đại diện Bộ Tài nguyên, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận) cho rằng không tin tưởng được các chỉ số quan trắc trên. "Chúng ta cần phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Khi các chỉ số quan trắc phát hiện những điều bất thường, có nghĩa là đã có vấn đề đến môi trường. Và khi đã xảy ra rồi, chúng ta chưa biết là có khắc phục được hay không", đại biểu Thiện lo lắng.

Trong khi đó, trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Nguyễn Tác An - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - lo ngại có thể xảy ra "thảm họa môi trường" nếu việc nhận chìm được triển khai.

Theo ông An, pháp lý quốc tế và trong nước đều cho phép việc nhận chìm chất thải xuống biển. "Nhưng trường hợp cụ thể ở Vĩnh Tân thì tôi thấy Bộ Tài nguyên vẫn chưa thẩm định một cách thấu đáo, khoa học môi trường biển ở đây trước khi ký quyết định cấp phép", ông nói.

Qua nghiên cứu giấy phép, tiến sĩ An cho rằng những nơi được nhận chìm chất thải xuống biển thường là không có giá trị hải dương học, kinh tế xã hội và đóng gói cẩn thận, có giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, khu vực biển Vĩnh Tân lại khác. Đây là vùng biển gần bờ nằm trong 12 hải lý, giàu tài nguyên, nhạy cảm về môi trường nên cần được bảo vệ.

Theo tiến sĩ An, biển Bình Thuận là "vùng biển độc nhất vô nhị" ở Việt Nam khi có hệ sinh thái nước trồi, có động lực mạnh, luôn xáo trộn. Khu vực biển này là ngư trường chính trong việc đánh bắt hải sản cửa ngư dân.

"Trong đó chưa nói đến động lực mạnh vùng nước trồi này hoạt động mạnh nhất vào thời điểm cấp phép đổ thải, khi ấy sẽ ảnh hưởng rất lớn, không chỉ ở vùng biển ven bờ Bình Thuận mà có thể lan ra đến tận Phú Yên, và các tỉnh miền Tây", ông nói và cho rằng khi đáy biển bị nâng cao sẽ tác động hệ sinh thái rất dữ dội.

Chuyên gia hải dương học cũng lo ngại cho khu bảo tồn thiên nhiên biển Hòn Cau. "Đây là một trong 3 điểm tam giác san hô của Đông Nam Á. Hệ sinh thái san hô là hệ sinh thái nhạy cảm. Việc nhận chìm chất thải xuống gần khu bảo tồn sẽ ảnh hưởng rất lớn hệ sinh thái nơi đây", tiến sĩ An nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Tài nguyên cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m.

Tác giả: Hoàng Trường

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok