Kinh tế

Bộ Tài chính trả lời về khoản nợ dự phòng hơn 63.000 tỷ của Vinashin

Căn cứ vào đề án tái cơ cấu của Vinashin (SBIC), bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án trả nợ hơn 63.000 tỷ của doanh nghiệp này.

Trả lời PV báo chí về số nợ dự phòng hơn 63.000 tỷ đồng của Vinashin mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó cục trưởng cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, bộ Tài chính cho biết, khoản nợ dự phòng này không bao gồm những khoản cho vay lại của chính phủ như phát hành trái phiếu quốc tế chính phủ về cho vay lại. Các khoản này vẫn nằm trong tổng thể, cơ cấu nợ của SBIC (Tên gọi hiện nay của Vinashin).

Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan đầu mối chỉ đạo của SBIC đang phối hợp bộ Tài chính để trình Chính phủ đề án tái cơ cấu tài chính của SBIC. Căn cứ vào đề án này, bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án để trả nợ của SBIC.

“Hiện nay, theo như thông tin ban đầu, các khoản nợ của SBIC sẽ được khoanh và giãn trong 1 khoảng thời gian nhất định. Sau 1 thời gian, SBIC có được 1 khoản tài chính sẽ phải trả nợ chính phủ theo phương án giãn nợ. Tuy nhiên, hiệu quả cuối cùng phải phụ thuộc vào phương án trình bày và kết quả thẩm định của bộ Giao thông vận tải với vai trò cơ quan chủ quản. Sau khi chúng tôi nhận được đề án chính thức mới biết được chính xác cơ cấu nợ và dự phòng của SBIC”, ông Hải cho biết thêm.

vinashin jpg
Số nợ dự phòng "khủng" hơn 63.000 tỷ của Vinashin sẽ được khoanh và giãn nợ trong thời gian tới.

Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Hoàng Hải, giai đoạn 2006-2009, trước khi khủng hoảng nợ châu Âu xảy ra thì kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường bất động sản, kéo theo thị trường xi măng phát triển nóng, hàng loạt dự án xi măng từ 2005 trở đi đã được cấp bảo lãnh.

Khi thị trường bất động sản sụp đổ, số phận các nhà máy xi măng lâm vào khó khăn. Bộ Tài chính đã thực hiện tái cơ cấu một số dự án như xi măng Tam Điệp, Hoàng Mai…

Tới nay, các dự án này đã khôi phục lại và đã từng bước trả được nợ chính phủ bảo lãnh bình thường mà không cần chính phủ can thiệp, thậm chí trả được những khoản nợ được chính phủ hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.

Hiện có 2 dự án đang được tái cơ cấu tiếp là xi măng Hạ Long và Đồng Bành.

Với trường hợp xi măng Đồng Bành, Bộ đã xin chỉ đạo của chính phủ chuyển sang Vissai Ninh Bình, đã trả nợ đầy đủ nghĩa vụ phát sinh. Xi măng Hạ Long đã chuyển sang Vicem, phối hợp trả nợ đầy đủ chính phủ bảo lãnh khi tới hạn.

vinashin 1pg
Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam hiện không có khả năng thu hồi vốn

Riêng dự án giấy Phương Nam thời gian vừa qua tốn nhiều giấy mực của báo giới, hiện không có khả năng thu hồi vốn, chính phủ đang phải trả nợ thay. Hiện, bộ Tài chính cũng đang phải đàm phán với đối tác ngân hàng Áo để chia sẻ rủi ro, đàm phán phương án tài chính.

Theo ông Hải, đến giữa năm 2017, chúng ta không còn tiếp tục được nhận các khoản vay hỗ trợ ưu đãi từ quốc tế, vì vậy doanh nghiệp cũng không thể dựa vào chính phủ mãi, phải dần tự đứng lên bằng khả năng của mình. Bộ Tài chính ủng hộ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính trong và ngoài nước mà không thông qua bảo lãnh chính phủ.

Hiện, trong danh mục các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh, một số tập đoàn như tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)… là những doanh nghiệp được bảo lãnh chính phủ nhiều nhất. Quan điểm từ bộ Tài chính, các doanh nghiệp này ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn có các nhiệm vụ chính trị nên Chính phủ phải có trách nhiệm hỗ trợ để đảm bảo phát triển.

Tuy nhiên, cũng theo ông, theo quy định mới được ban hành đầu năm 2017, các điều kiện về bảo lãnh sẽ được siết chặt lại. Theo đó, mức bảo lãnh chính phủ theo quy định mới đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án. Ngoài ra, các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại với mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm.

Ông Hải dự kiến, tới cuối năm 2020, nợ Chính phủ bảo lãnh so với GDP có thể ở mức không quá 10%.

Tác giả bài viết: Đ.Huệ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok