Kinh tế

Bộ Tài chính hứa không tăng thuế VAT, bỏ ngỏ về thuế tài sản

Mặc dù khẳng định nhiều nguồn thu đang bị giảm sút, song Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hứa sẽ không tăng thuế VAT từ 10% lên 12% như dự thảo, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thuế tài sản.

Ngày 26/5, giải trình trước Quốc hội 3 nhóm vấn đề, gồm tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, giảm bội chi ngân sách và tái cơ cấu lại nợ công, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đồng ý tiếp thu ý kiến phản biện và giữ mức thuế VAT phổ thông 10%, không nâng lên 11-12% như dự thảo.

Bộ cũng sẽ kết cấu lại các hàng hóa, dịch vụ được hưởng thuế VAT 0%, 5%, không chịu thuế, đảm bảo công bằng, hạn chế ảnh hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Với luật Thuế tài sản đang lấy ý kiến, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu. Bộ trưởng chia sẻ thêm, tăng thu ngân sách chỉ là mục tiêu thứ yếu khi đánh thuế tài sản, chủ yếu là để tạo công bằng xã hội, định hướng thị trường, công khai minh bạch tài sản, phục vụ công tác phòng chống tham nhũng.

“Phương án vừa rồi trình có nhiều ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng nói.

Về thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý với yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.

Lý giải nguyên nhân phải cơ cấu lại nguồn thu từ thuế, Bộ trưởng Dũng thừa nhận nhiều nguồn thu đang giảm dần.

Cụ thể, thu ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2017 đạt khoảng 56-57% tổng thu, trong khi giai đoạn trước bình quân là 61%.

Nguyên nhân chủ yếu theo bộ Tài chính là do nguồn thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu, nguồn mà ngân sách trung ương được hưởng 100%, đã giảm mạnh. Tỷ trọng thu dầu thô từ 16% trên tổng thu năm 2011, nay còn 3,8%. Tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 21,6% năm 2011 xuống còn 15,4% năm 2017.

Ngoài ra, việc giảm nghĩa vụ nộp thuế cho doanh nghiệp cũng khiến ngân sách giảm thu. Ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 23% xuống còn 20%, khối doanh nghiệp FDI được nhận nhiều ưu đãi nên chỉ nộp khoảng 10%...

Trong khi đó, báo cáo Đánh giá chi tiêu công của Việt Nam do ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, chi ngân sách của Việt Nam đang tiếp tục tăng cao. Trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (70% tổng chi ngân sách hàng năm, thậm chí có năm lớn hơn). Cùng với chi nuôi bộ máy, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn cho NSNN.

WB đánh giá, chi trả nợ gốc, lãi vay tăng nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế và đang tiệm cận ngưỡng an toàn (theo quy định của Việt Nam).

Bên cạnh đó, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao. Mặt khác, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ.

Đại diện WB cho rằng, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.

Tại cuộc họp báo chuyên đề do bộ Tài chính tổ chức chiều 25/5 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng vụ NSNN, bộ Tài chính cho biết, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được hơn 51.000 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại DNNN 3.456 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo ông Hưng, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc.

Ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công.

Ông Hưng cho biết, giải pháp khắc phục thời gian tới, xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý sử dụng NSNN và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó sẽ là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan.

Ngoài ra, để tăng nguồn thu, bộ Tài chính cho biết sẽ hoàn thiện quy định pháp lý, đảm bảo chặt chẽ, phân loại rủi ro, đẩy mạnh truy thu thuế. Bộ này cũng sẽ hoàn thiện thể chế về thu ngân sách, trong đó có định hướng xây dựng luật về thuế.

Tác giả: Vinh Phan

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok