Giáo dục

Bộ nói phản khoa học, nhưng có giáo viên nói "trẻ học trước, giáo viên đỡ mệt"

Việc học để chuẩn bị vào lớp 1 hoàn toàn hữu ích và khác hẳn với khái niệm học trước chương trình lớp 1 mà mọi người vẫn nhắc tới mỗi khi năm học mới cận kề.

Về vấn đề dạy trước chương trình lớp 1, ngày 28/6/2013, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT, trong đó ghi rõ:

“Dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1 vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt”.

Bên cạnh nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1.
lop 1
Học để chuẩn bị vào lớp 1 không hại như mọi người nghĩ (Ảnh: vov.vn)

Tuy nhiên, vì lo con không theo kịp các bạn nên nhiều phụ huynh vẫn tìm chỗ cho con học trước và thực tế, theo đánh giá của một số giáo viên thì việc học để chuẩn bị vào lớp 1 hoàn toàn hữu ích và khác hẳn với khái niệm học trước chương trình lớp 1 mà mọi người vẫn nhắc hàng ngày.

Một giáo viên ở Vĩnh Phúc bày tỏ: “Thực tế đối với những em được kèm trước khi vào lớp 1 thì khi vào đầu năm học giáo viên đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Bởi lẽ, khi kèm học sinh, giáo viên chủ yếu chỉ là rèn nề nếp, tư thế, cách ghép chữ… Và làm quen với từng mảng kiến thức chứ hoàn toàn không dạy theo từng bài trong sách giáo khoa lớp 1 nên khi vào năm học sẽ không có tình trạng học sinh thấy nhàm chán vì phải học lại bài.

Chỉ những trường hợp bố mẹ tự dạy ở nhà thực sự khiến giáo viên đau đầu bởi phụ huynh dạy con cách cầm bút, điểm đặt bút, tư thế ngồi…nhưng không đúng chuẩn vì đa phần phụ huynh không có chuyên môn khiến con cái họ viết sai, ngồi không đúng.

Đến khi vào học giáo viên rất khó rèn những trường hợp này vì đã thành thói quen.

Hơn nữa, nhiều phụ huynh cũng dạy các bài học trong chương trình sách giáo khoa trước nên khi đi học các em không tập trung, rất chểnh mảng”.

Đồng tình với quan điểm này, một cô giáo Tiểu học đang giảng dạy tại tỉnh Đắc Nông cho rằng: “Việc kèm trẻ trước khi vào lớp 1 thực chất là giúp các em làm quen với môi trường học tập mới.

Tại nơi tôi công tác, đối với học sinh chuẩn bị vào lớp 1 thì Nhà trường có chương trình công nghệ 8 tuần diễn ra từ giữa tháng 6 dựa trên tinh thần vừa học vừa chơi để các em đi vào nề nếp thì khi vào năm học mới giáo viên quản lý lớp sẽ hiệu quả.

Hơn nữa, học sinh chỉ tới trường 3 buổi/tuần, thời gian mỗi buổi học chỉ từ 7h30 đến 9h30 chứ hoàn toàn không ép học sinh đọc, viết gì.

Bởi dạy trước chương trình thì khi vào năm học kiến thức bị loãng, học sinh không hứng thú”.

Còn với tư cách Hiệu trưởng của một trường Tiểu học (xin được giấu tên) cho rằng:

“Tâm lý phụ huynh thường sợ con thua thiệt nhưng hiện nay bậc Tiểu học không còn chấm điểm nên đáng lẽ phụ huynh không nên còn tâm lý này. Nhưng đó là tâm lý chung.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể quán triệt được nếu sự phối hợp giữa các cấp được thực hiện tốt. Bởi, như địa bàn nơi tôi đang công tác không có tình trạng dạy chương trình sách giáo khoa trước khi vào lớp 1.

Bởi lớp mầm non 5 tuổi là giai đoạn tiền lớp 1 nên giáo viên mầm non phải chuẩn bị rất nhiều kỹ năng từ cách cầm bút, tư thế ngồi...làm sao cho đúng chuẩn nên khi vào lớp 1 giáo viên không mất nhiều thời gian cho việc hướng dẫn kỹ năng.

Để đạt được kết quả này, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo liên cấp chặt chẽ trong các cuộc họp chuyên môn”.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok