Các phụ huynh thường than phiền về thói quen sử dụng smartphone của con cái mà quên mất nhìn lại bản thân. Theo bà Erika Christakis, chuyên gia giáo dục Mỹ, từ 20 năm trước, chuyên gia công nghệ Linda Stone (Mỹ) đã đưa ra thuật ngữ "chú ý liên tục phân tán", có nghĩa là bố mẹ không dành hoàn toàn sự chú ý cho con cái trong thời gian dài do mải dùng smartphone.
Năm 2014, các nhà nghiên cứu ở Boston bí mật quan sát 55 người chăm sóc đang cho ít nhất một trẻ ăn ở cửa hàng ăn nhanh và phát hiện 40 trong số này mải mê với điện thoại ở các mức độ khác nhau, một số người thậm chí hoàn toàn phớt lờ đứa trẻ.
Một nghiên cứu sau đó trên 225 bà mẹ có con 6 tuổi cho thấy một phần tư phụ huynh bị hút vào điện thoại và ít tương tác với con, dù là bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ.
Bố mẹ mẹ xao lãng con vì smartphone không chỉ gây nguy hiểm cho thể chất đứa trẻ mà còn ảnh hưởng đến nhận thức của chúng.
Ai từng bị va vào một người đang mải mê với điện thoại đều hiểu rằng sự phân tâm có thể dẫn đến tai nạn. Thực tế, số ca trẻ em gặp chấn thương tỷ lệ thuận với sự phổ biến của điện thoại di động.
Hơn thế, sự phát triển của trẻ phụ thuộc vào mối quan hệ và những cuộc trò chuyện với bố mẹ. Một nghiên cứu cho thấy các em bé 9 tháng tuổi tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn nếu được bố mẹ trực tiếp hướng dẫn thay vì xem qua video, dù nội dung truyền tải giống hệt nhau.
Ảnh: Time Magazine. |
Theo Hirsh-Pasek, giáo sư Đại học Temple và Viện Brookings, ngôn ngữ là yếu tố dự báo tốt nhất về thành tích học tập, mà chìa khóa để có kỹ năng ngôn ngữ tốt chính là những cuộc trò chuyện qua lại trôi chảy giữa trẻ em và người lớn.
"Trẻ nhỏ không thể học hỏi được gì nếu chúng ta phá vỡ dòng hội thoại bằng cách nhấc điện thoại hoặc nhìn vào tin nhắn", giáo sư Hirsh-Pasek. Trẻ hay nói chuyện với bố mẹ sẽ có vốn từ vựng phong phú và ngược lại.
Nghiên cứu các trại mồ côi ở Romania cho thấy thời gian dài bị bỏ rơi khiến trẻ gặp các vấn đề về xã hội, cảm xúc và nhận thức ngay cả khi trưởng thành. Bên cạnh đó, khối lượng chất xám và chất trắng đều giảm.
Chúng ta không thể biết con mình phải chịu đựng những gì khi bị chính bố mẹ thờ ơ. Thỉnh thoảng vô tâm không phải vấn đề, thậm chí đôi lúc hữu ích bởi nó giúp trẻ rèn luyện khả năng chịu đựng và độc lập. Thế nhưng, sự vô tâm kéo dài lại là chuyện khác. Quá phụ thuộc vào smartphone, người lớn khiến đứa trẻ tin rằng nó không đáng chú ý bằng một cái tin nhắn.
Tình trạng trên càng trở nên nghiêm trọng khi kết hợp với những thay đổi về giáo dục. Đi học từ sớm khiến trẻ mất cơ hội tự do trò chuyện bởi trên lớp chỉ có những bài giảng buồn tẻ được thiết kế sẵn và tương tác một chiều từ giáo viên. Trước hoàn cảnh ấy, trẻ có thể làm nhiều điều nhằm gây chú ý với bố mẹ, ví dụ như thể hiện sự giận dữ. Nhưng đến lúc nào đó, chúng sẽ bỏ cuộc.
Nếu nhìn lại bản thân, bố mẹ sẽ hiểu ra rằng chính mình mới cần thay đổi. Điều quan trọng nhất không phải số giờ ngồi bên con mà là sự chú ý bạn dành cho trẻ trong thời gian đó. Chơi với con như thế nào là quyền của bạn, chỉ cần nhớ bỏ cái điện thoại xuống.
Tác giả: Minh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress