Tham gia làm việc nhà sẽ giúp trẻ có nhiều kỹ năng sống độc lập khi lớn. Ảnh minh họa
Các chuyên gia tâm lý của Phòng khám Cây Thông Xanh (Hà Nội) thường xuyên nhận được câu hỏi từ các bậc cha mẹ đó là: Con rất lười biếng; con không chịu làm việc nhà giúp cha mẹ, suốt ngày chỉ biết nằm dài xem tivi, xem điện thoại, chơi điện tử… Nhiều lúc sai con quét nhà hay rửa bát mà bố mẹ phải nói rát họng mới chịu làm. Hầu hết những đứa trẻ được nhắc đến ở đây đều ở lứa tuổi đã có thể giúp bố mẹ rất nhiều việc. Đây thường là trẻ cuối cấp 1, cấp 2, cấp 3 thậm chí là đã vào đại học. Hệ quả là có những gia đình con đã lớn tồng ngồng nhưng mỗi lần chúng nghỉ học ở nhà, bố mẹ vẫn thường phải lao về nhà chuẩn bị bữa trưa cho con.
Theo các chuyên gia của Phòng khám Cây Thông Xanh, thực tế là mọi đứa trẻ đều thích làm việc nhà ngay từ tấm bé. Nhìn những em bé từ 1 - 3 tuổi mới lẫm chẫm bước đi, thường loanh quanh bên mẹ lúc mẹ nấu cơm, khi thì đòi nhặt rau, khi đòi quét nhà, lúc đòi rửa bát… cho thấy trẻ em vốn rất thích làm việc. Vậy có khi nào tình yêu làm việc của các em tự mất đi, khi các em lớn lên hay không?
Thực ra, tình yêu công việc, đặc biệt là việc nhà là do các em được cha mẹ dậy dỗ từ nhỏ. Khi các em lăng xăng bên cha mẹ đòi được cầm cọng rau để nhặt, cha mẹ đã làm gì khuyến khích em hay là quát lên “Đi ra ngoài kia chơi đi để mẹ làm”. Lần nào muốn làm gì cũng nghe câu “để mẹ làm”, dần dần lớn lên các em sẽ coi việc nhà đương nhiên không phải việc của mình. Chính vì thế mà mọi việc trong nhà các em đều “để mẹ làm” như một lẽ đương nhiên.
Một phụ huynh chia sẻ với chuyên gia Phòng khám Cây Thông Xanh: “Hôm, nhà có khách, tôi đang rửa cả chồng bát ở ngoài sân thì bé Bông nhà chị bạn cứ lân la đến gần rồi cười rất bẽn lẽn. Đoán rằng cháu đang thích nghịch nước, tôi hỏi “cháu thích rửa bát phải không?”. Cháu gật đầu “vâng” rất nhanh. Tôi nheo mắt: “Thế còn chần chừ gì nữa, rửa luôn”. Bé Bông xông xáo xắn tay áo, nhanh tay cho bát xuống dưới vòi nước rất chuyên nghiệp. Tôi hỏi, “Bông thích rửa bát thế ở nhà Bông có giúp mẹ rửa bát không?”. Bông hồn nhiên trả lời: “Không ạ, mẹ không cho cháu rửa”.
Tôi hiểu lý do vì sao mẹ không để cháu rửa bát. Mẹ cháu cũng như nhiều bà mẹ khác, sợ con mình rửa bát không sạch, sợ rửa xong bát thì con cũng ướt hết quần áo, bẩn hết người. Nhưng có sao đâu so với việc cháu đã biết yêu lao động, biết thích làm việc nhà. Và quan trọng hơn là biết không dồn toàn bộ việc nhà “để mẹ làm” khi con lớn lên.
Sự khác biệt giữa hai cách giáo dục con cái
Theo chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý 1088 (Hà Nội), cũng vì hay sợ con bẩn, sợ con đứt tay, sợ con ướt đồ… mà không ít các ông bố bà mẹ đã tước đi kỹ năng sinh tồn của con, chính là kỹ năng sống độc lập hay còn gọi là khả năng tự lập của một đứa trẻ. Không ít bố mẹ đang vì yêu thương con mà không phát hiện ra là mình đang bao bọc con.
Khi trẻ lên 4 lên 5 lên tuổi, con đã có thể tham gia vào một phần công việc nhà thì nhiều bố mẹ vẫn phục vụ con từ A đến Z, thậm chí có rất nhiều con học lớp 3, lớp 4 vẫn được xúc cho ăn. Sai lầm ở đây là bố mẹ chỉ biết phục vụ mà không hề dạy con phải thực hành thế nào. Những đứa trẻ đó sẽ không tự lập được vì không được dạy về trách nhiệm của bản thân. Từ bé, bố mẹ chưa dạy con các kỹ năng để con tự lập thì chắc chắn khi lớn lên các con không thể tự lập được.
Theo các chuyên gia, với những đứa trẻ được bao bọc, vốn dĩ sự đòi hỏi của trẻ rất lớn. Bố mẹ Việt với một tâm lý nóng vội luôn muốn cho xong để không bị phiền phức, ngay lập tức đáp ứng đòi hỏi của trẻ, như vậy sẽ khiến cho sự đòi hỏi của trẻ ngày càng leo thang, tạo sự ích kỷ, xấu tính khi lớn lên.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, trong khi một số các bậc cha mẹ thành phố ở Việt Nam đang ra sức bao bọc và làm thay con thì ngược lại các bậc cha mẹ Do Thái rất ý thức về việc không sinh ra một thế hệ trẻ “ăn bám bố mẹ”. Thực tế có một sự khác biệt rất lớn giữa hai cách giáo dục con cái của cha mẹ Việt và cha mẹ Do Thái. “Con chỉ việc học thôi, việc nhà để đấy mẹ làm cho” là câu nói khá quen thuộc với các bậc phụ huynh Việt Nam.
Với bố mẹ Việt, chỉ cần con học giỏi là đủ. Thế nhưng với người Do Thái thì khác, họ coi giáo dục sinh tồn là ưu tiên hàng đầu, với mong muốn sau này lớn lên mỗi đứa trẻ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo phụ huynh Israel, muốn bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn độc lập của trẻ, trước hết phải bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhà. Như thế thì dẫu trẻ có đi khắp năm châu bốn bể, phụ huynh cũng không cần lo lắng cho cuộc sống của chúng. Vì yêu con phụ huynh Việt Nam không nỡ để bàn tay nhỏ xinh của chúng dính bẩn, không nỡ chiếm dụng thời gian học tập quý báu của chúng vì sợ làm ảnh hưởng tới thành tích thi cử.
Trong mắt nhiều bậc phụ huynh Việt Nam, nhà bếp là “khu vực cấm” đối với trẻ em. “Đừng vào đây, nguy hiểm lắm.” “Trong này chỉ toàn mùi dầu mỡ, con mau ra ngoài đi”. Khi trẻ tò mò muốn vào bếp xem xét, thường bị cha mẹ ngăn ở ngoài. So sánh các bà mẹ Việt kéo con ra khỏi bếp với các bà mẹ Do Thái khuyến khích con vào bếp, họ cho rằng: Con người muốn sinh tồn, bắt buộc phải có cơ sở vật chất, mà ăn uống chính là nền tảng của cơ sở đó.
Tác giả: Ngân Khánh
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội