Kinh tế

Bộ Giao thông công bố 8 dự án BOT cần đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố danh mục đầu tư 8 dự án thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 , với tổng vốn hơn 104.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Theo đó, các dự án được Bộ GTVT công bố gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Bộ GTVT đưa ra dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này khoảng 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng và tái định cư. 8 dự án đang được hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và dự kiến hoàn thành cơ bản công tác đầu tư, xây dựng vào năm 2021.

Trong 8 dự án nói trên, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến cao nhất là Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 106 km với hơn 19.600 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 8.000 tỷ đồng. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến thấp nhất là Nha Trang - Cam Lâm dài 29 km với 5.130 tỷ đồng, vốn Nhà nước 2.530 tỷ đồng.

"Việc đầu tư các dự án này đáp ứng nhu cầu vận tải cấp bách tại một số địa phương, từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm", Bộ GTVT cho biết.

8 dự án của cao tốc Bắc - Nam đã được công bố, cần hơn 100.000 tỷ đồng để đầu tư

Hồi tháng 11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam là 118.000 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và hơn 63.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách. Công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 - 2018, thời gian dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Bộ GTVT khẳng định, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển KT-XH, giải quyết hạn chế của các tuyến quốc lộ, đặc biệt là QL1 không thể khắc phục. Đây là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

Hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Riêng đoạn Hà Nội - TPHCM đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I, II và 67% các khu kinh tế của cả nước, đặc biệt là kết nối ba vùng kinh tế trọng điểm.

Theo Bộ GTVT, kết quả nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Bộ GTVT nhấn mạnh, trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc đầu tư ngay tuyến đường bộ cao tốc để đáp ứng nhu cầu vận tải là không thể trì hoãn.

Đặc biệt, đối với một số đoạn có nhu cầu vận tải rất lớn hiện tại nhu cầu vận tải đã vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến QL1 song hành, nhu cầu đầu tư thực sự cần thiết, cấp bách để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok