Giáo dục

"Bộ Giáo dục nên nghiên cứu cẩn thận để công bố lộ trình thi cử"

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết khi mới nghe về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm 2017, ông đã“giật mình” bởi lo rằng những thay đổi về nội dung thi sẽ ảnh hưởng đến học sinh.

Nhưng khi đọc bản dự thảo, ông Thuyết cho rằng “phương án của năm 2017 sẽ khắc phục được những nhược điểm của kỳ thi năm 2016. Ngoài việc góp phần khắc phục học lệch, việc thi trắc nghiệm khách quan vừa đảm bảo chấm nhanh, vừa đảm bảo chính xác, công bằng”.

Không nên mỗi năm thay đổi một lần

Ngay khi vào lớp 10, học sinh đã xác định hướng thi đại học cho 3 năm tới và xác định ưu tiên cho các môn học trọng tâm. Những thay đổi năm tới được công bố khi kỳ thi diễn ra 10 tháng thì có quá cập rập cho các em?

- Bộ GD-ĐT đứng ở vai trò quản lý Nhà nước, nhìn thấy những bất cập của kỳ thì năm 2016 mà không khắc phục thì cũng không được.

Cách khắc phục của năm 2017 không dẫn đến những đảo lộn trong học hành và thi cử của học sinh; bởi ở trường, các em vẫn học chừng đó môn, đề thi 2 môn tự chọn là đề thi tổ hợp nhưng nội dung vẫn là nội dung từng môn, và nội dung thi chủ yếu giới hạn trong chương trình lớp 12.

GS Nguyễn Minh Thuyết


Ông có cho rằng phương án cho năm 2017 có tính chất thử nghiệm và tiếp tục rút kinh nghiệm cho một kế hoạch bài bản hơn sau này?

- Tôi cho rằng một phương án áp dụng cho cả nước thì không thể gọi là thử nghiệm.

Tuy nhiên, theo tôi, Bộ GD-ĐT vẫn nên nghiên cứu cẩn thận để công bố một lộ trình đổi mới thi cử, không nên mỗi năm thay đổi một lần. Chẳng hạn, cần sớm cho biết từ nay đến năm 2020 tổ chức thi thế nào, từ sau năm 2020 thế nào.

Tôi nghĩ rằng cuối cùng sẽ đi đến một trong hai phương án: Phương án 1 là giao việc thi tốt nghiệp THPT cho các sở GDĐT, còn tuyển sinh ĐH, CĐ là việc của các trường ĐH, CĐ. Phương án 2 là thành lập các trung tâm khảo thí để những trung tâm này đứng ra tổ chức các kỳ thi, có thể là tổ chức vài lần trong năm. Từ kết quả của những kỳ thi này, các sở GDĐT sẽ xét công nhận tốt nghiệp THPT, các trường sẽ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhưng muốn có những trung tâm khảo thí mạnh thì phải tổ chức ngay từ bây giờ.

Nếu có ngân hàng đề cực lớn, sẽ không phải lo lắng việc luyện thi

Dự thảo có đưa ra một điểm mới là môn Toán sẽ thi trắc nghiệm. Và đang có những lo ngại cách thi này sẽ khiến học sinh tập trung rèn các kỹ năng xảo thuật, ảnh hưởng tới tư duy toán học của các em. Ông nhìn nhận việc này ra sao?

- Về khả năng ảnh hưởng của đề thi trắc nghiệm khách quan đến tư duy toán học của học sinh, theo tôi, không đáng lo. Bởi thi tốt nghiệp chỉ là một thời khắc; cả quá trình dạy và học mới quan trọng. Trong quá trình dạy học, giáo viên vẫn ra các bài tập kiểu khác cho học sinh làm thì vẫn rèn được tư duy cho các em.

Chỉ có điều trong một kỳ thi, nếu chỉ đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan thì sợ không đánh giá được hết năng lực của học sinh, đặc biệt là năng lực tư duy.

Trắc nghiệm khách quan thích hợp với những kỳ thi có số lượng thí sinh lớn, cần chấm nhanh và chính xác. Nhưng nó không đánh giá được năng lực tư duy, năng lực diễn đạt của học sinh. Do đó, ở một số nước, trong kỳ thi, người ta thường ra những đề thi kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Bài tự luận có thể ngắn thôi, mục đích là để đo năng lực tư duy, diễn đạt.

Theo ông, với cách thi trắc nghiệm này và ngân hàng đề thi, liệu có tái diễn câu chuyện thí sinh lao vào luyện những bộ đề - một cách làm giáo dục lạc lối từng diễn ra suốt thời gian dài những năm 1990?

- Trước đây, các bộ đề lúc mới ra được hoan nghênh nhưng sau này trở nên quá quen thuộc, nhàm chán và trở thành một thứ khuyến khích học "tủ".

Thi trắc nghiệm, nếu ngân hàng đề thi ít đề thì sẽ lặp lại câu chuyện trước đây. Nhưng nếu có rất nhiều đề và có nhiều khả năng xáo trộn giữa đề này với đề kia thì không lo chuyện đó. Vấn đề là chúng ta phải xây dựng được một ngân hàng đề thi cực lớn. Khi số lượng là cực lớn thì thí sinh có muốn luyện theo hết cũng chả được. Mà nếu luyện được hết con số bài tập lớn như vậy thì càng tốt, càng nâng cao được kiến thức, kỹ năng.

Ông đánh giá như thế nào khi bộ đề thi dự kiến sẽ lấy nền tảng là ngân hàng đề của một cơ sở giáo dục đại học, như ĐHQG Hà Nội chẳng hạn?

- Tôi chưa thấy dự thảo nói đến khả năng này. Nhưng nếu lấy đề thi của ĐHQG Hà Nội làm nền tảng thì chắc Bộ GD-ĐT phải chọn lọc những bộ đề phù hợp. Bởi kỳ thi ở ĐHQG Hà Nội dù được thí điểm 3 năm nay rồi và được đánh giá là tốt, nhưng đề thi đó, theo tôi hiểu, có tính tích hợp cao, chưa chắc đã phù hợp với học sinh hiện nay.

Do đó, muốn dựa vào ngân hàng bộ đề của ĐHQG Hà Nội thì Bộ GDĐT phải đánh giá thật chu đáo để xem khả năng phù hợp của các bộ đề này với các vùng miền, các địa phương khác nhau ra sao.


Nếu là hiệu trưởng một trường đại học, ông có dùng kết quả của kỳ thi do các địa phương tổ chức để xét tuyển thí sinh vào trường mình không?

- Việc dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay không, tôi nghĩ cũng tùy trường. Nếu là trường top dưới thì dựa vào kết quả đó cũng có thể được rồi. Những trường top trên có thể có thêm các điều kiện bổ sung.

Tuy nhiên theo tôi, chất lượng đầu vào cũng chỉ đóng góp một phần trong chất lượng đào tạo. Cái quan trọng nhất là quá trình đào tạo và kiểm soát đầu ra.

Tôi thấy nhiều em thi không đỗ vào các trường đại học công ở Việt Nam nhưng đi học tự túc ở nước ngoài, trở về nước làm việc khá tốt. Bởi quá trình đào tạo ở nước ngoài rất khắt khe, không cho phép học hời hợt.

Các trường đại học ở Việt Nam tiến tới phải lo quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Chứ hiện nay ta mới siết chuẩn đầu vào, còn đã vào rồi, muốn học kiểu gì thì học, có khi 100 em vào, cũng suýt soát 100 em ra trường.

Chỉ tập trung thi cử khó đào tạo thế hệ mới có năng lực

Trước thay đổi của kỳ thi, ông muốn chia sẻ điều gì?

- Tôi nghĩ thi cử chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo và dạy học. Chúng ta phải tiếp tục tìm ra phương án tổ chức thi cử tốt nhất nhưng cũng phải thúc đẩy các khâu khác. Chứ tất cả chỉ tập trung vào kỳ thi thì cũng rất khó để có thể đào tạo ra một thế hệ mới có năng lực và phẩm chất tốt.

Trong đổi mới, việc đổi mới phương pháp dạy học là quan trọng nhất. Bởi thực ra, dù dạy theo sách giáo khoa cũ nhưng nếu có phương pháp dạy học khác thì chắc chắn sẽ có một kết quả khác.

Câu chuyện dưới đây của một tác giả Trung Quốc trên tờ Văn Cảo Báo (theo Báo điện tử Phụ nữ Today, ngày 8/7/2012) có thể giúp bạn đọc hình dung phương pháp dạy học quan trọng như thế nào:

Một người Trung Quốc đ­ưa cậu con trai chín tuổi tới Mỹ. Những ngày đầu quan sát cách học của con ở trường, ông lo lắng vô cùng vì thấy trong lớp, học sinh tự do tùy ý thảo luận, có thể c­ười ầm ĩ; Giáo viên và học sinh thường xuyên cùng ngồi bệt trên mặt đất; Vào giờ học mà cứ như­ đang chơi trò chơi; Ba giờ chiều đã là tan học; Lại không có sách giáo khoa thống nhất...

Khi ông đem cho giáo viên xem bài học lớp 4 mà con ông đã học ở Trung Quốc, giáo viên nói với ông, cho tới lớp 6, con trai ông không phải học thêm môn Toán nữa. Lúc đó, eng cảm thấy hối hận vì làm lỡ việc học của con.

Nhưng một bận, ông thấy đứa trẻ cứ tan học lại chạy tới thư­ viện rồi mang một lô sách về nhà, thế mà ch­ưa tới hai ngày đã trả. Ông hỏicon mượn sách nhiều như­ thế để làm gì. Cậu con trai đáp: “Con làm bài tập”.

Nhìn thấy tên bài tập mà cậu bé đang làm trên máy vi tính: “Trung Quốc hôm qua và hôm nay”, ông kinh ngạc.

Ông hỏi con trai, đây là chủ ý của ai, cậu bé hồn nhiên đáp: “Thầy giáo nói Mỹ là một nư­ớc di dân, mỗi học sinh đều cần viết một bài về đất n­ước mà tổ tiên mình đã sinh sống, còn phải phân tích sự khác biệt so với nư­ớc Mỹ dựa trên địa lý, lịch sử, nhân văn, đồng thời phải đ­ưa ra quan điểm và cách nhìn của mình”. Ng­ười cha im lặng.

Nhưng mấy ngày sau, ông thấy bài tập của con trai đã xong, một tập gồm hơn 20 trang giấy. Bài văn đư­ợc viết có lý lẽ, có căn cứ, đặc biệt là một danh sách thư­ mục tham khảo ở phần cuối khiến ng­ười cha không khỏi bàng hoàng.

Câu chuyện trên cho thấy hai phương pháp giáo dục khác nhau: Một đằng là tổ chức lớp học quy củ, dạy thật nhiều kiến thức. Một đằng là phát huy khả năng tự học và sự năng động của học sinh, qua đó giúp các em tự hoàn thiện năng lực của mình.

Hai cách học này, như kết luận của người cha trong câu chuyện, sẽ dẫn tới hai kiểu phát triển khác nhau: “Rất nhiều ngư­ời có cảm giác rằng ngư­ời Mỹ th­ường không phải là đối thủ của l­ưu học sinh Trung Quốc trong chuyện thi lấy học bổng, nh­ưng cứ đụng tới lĩnh vực thực tiễn, làm một vài vấn đề có tính nghiên cứu, thì ng­ười Trung Quốc không thể linh hoạt đ­ược bằng ngư­ời Mỹ, không có tính sáng tạo dồi dào như­ họ. […] Một khi không còn quy định, mất đi sự chỉ đạo, không nhìn thấy hệ thống quy chiếu vốn có nữa, thì với ngư­ời Mỹ là giành đ­ược tự do, còn với người Trung Quốc, có lẽ chỉ còn lại cảm giác mất phư­ơng h­ướng, khủng hoảng, trống rỗng, không biết dựa vào đâu.”

Xin cảm ơn ông!

Với câu chuyện năm 2016 có một thí sinh học kém nhưng vẫn được điểm 10 môn Vật lí, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Trường hợp một học sinh không biết gì mà được điểm 10 là rất đặc biệt.

Dù thí sinh có nói là “làm mò” hay chép bài bạn bên cạnh, nhưng tôi không tin. Tôi chắc là thí sinh phải được giám thị hỗ trợ.

Để khắc phục những hiện tượng trên, tôi nghĩ chỉ có cách tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Đúng ra, khi gặp những trường hợp đáng ngờ như vụ điểm 10 vật lý của em học sinh nọ thì cần phải kiểm tra kỹ chứ không chỉ nghe học sinh nhận lỗi là vội đi đến kết luận”.

Tác giả bài viết: Hạ Anh - Thanh Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok