Giáo dục

Bộ Giáo dục không thể làm trái Nghị quyết của Quốc hội

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp làm sách giáo khoa sẽ hạn chế quyền của nhà trường và người dân được lựa chọn sách.

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 7/6 vừa qua, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP.Hồ Chí Minh mong muốn thời gian tới được cho phép thực hiện các cơ chế đặc thù về giáo dục như: tự xây dựng chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa riêng phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ Giáo dục.

Cũng tại buổi làm việc này, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh – ông Đinh La Thăng cho biết, TP.Hồ Chí Minh có văn hóa riêng mang "đặc trưng Nam Bộ". Chương trình giáo dục đào tạo cũng phải duy trì được bản sắc của người Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh như nghĩa khí, hào sảng, không vụ lợi, dấn thân...

Đề xuất bất ngờ của TP.Hồ Chí Minh khiến nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục lo ngại: Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi địa phương đề nghị biên soạn chương trình, sách giáo khoa riêng cho phù hợp với đặc thù của mình?

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích, trước hết, về chương trình, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội đã quy định: “Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc.

Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.

GDVN nguyenminhthuyet sachgiaokhoa2018 giaoducnetvn
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, việc thực hiện đổi mới chương trình - sách giáo khoa phải thực hiện đúng theo Nghị quyết của Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang

Theo quy định này thì không phải chỉ TP.Hồ Chí Minh mà các tỉnh, thành khác cũng đều có thể bổ sung những nội dung cần thiết để chương trình đáp ứng được yêu cầu riêng của mình; thậm chí mỗi trường phổ thông cũng có quyền chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch dạy học cho phù hợp với điều kiện cụ thể của trường.

“Tuy nhiên, để đảm bảo chuẩn giáo dục chung, những nội dung bổ sung và sự chủ động vận dụng đó vẫn phải dựa trên một chương trình thống nhất cho cả nước”, GS.Thuyết nhấn mạnh.

Cơ quan nhà nước làm sách, dễ tạo ra lợi ích nhóm

Về sách giáo khoa, Nghị quyết của Quốc hội quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học… Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông… Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Theo quy định này, chúng ta sẽ thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học” để các cơ sở giáo dục phổ thông (cụ thể là giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh) chủ động lựa chọn những quyển sách giáo khoa thích hợp nhất cho mỗi môn học.

Giải pháp để có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học là huy động nguồn lực xã hội, cả nguồn lực trí tuệ cũng như nguồn lực tài chính.

Sở Giáo dục đào tạo của một địa phương đứng ra làm sách giáo khoa thì kinh phí làm sách chắc phải lấy từ ngân sách nhà nước.

“Giả sử Bộ Giáo dục và đào tạo đồng ý để Sở Giáo dục đào tạo TP.Hồ Chí Minh soạn bộ sách giáo khoa riêng thì rồi đây Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội và các địa phương khác cũng hoàn toàn có lý do để xin soạn sách giáo khoa riêng.

Bởi vì địa phương nào cũng có bản sắc riêng và thế mạnh riêng, không mạnh mặt này cũng mạnh mặt khác, Bộ trưởng GDĐT làm sao khước từ được. Như vậy thì ngân sách nhà nước có lớn đến đâu cũng không chịu nổi.

Giả sử Sở Giáo dục đào tạo TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác có thể huy động được nguồn kinh phí từ xã hội chứ không dùng ngân sách nhà nước thì vẫn không nên chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Bởi vì một khi cơ quan quản lý giáo dục địa phương đã đứng ra làm bộ sách riêng thì liệu có trường nào dám dùng bộ sách khác không?

Họ sẽ chọn sách của cơ quan quản lý trực tiếp để đảm bảo an toàn xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Khi đó, giáo viên, học sinh làm gì còn quyền lựa chọn sách?

Vô hình trung việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa lại quay về cơ chế một bộ sách giáo khoa như cũ mà chưa chắc đã được bằng như cũ”, GS.Thuyết cảnh báo.

Cũng theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, thực tế triển khai chương trình, sách giáo khoa hiện hành cho thấy chỉ cần một số cán bộ chỉ đạo môn học của Sở Giáo dục đào tạo đứng ra biên soạn sách tham khảo thôi thì sách ấy đã thống trị toàn bộ thị trường sách tham khảo của địa phương rồi, chứ chưa nói là sách của Sở.

Trước năm 2000, ở nước ta, một số môn học (như Toán, Ngữ văn) đã có hai bộ sách giáo khoa – một bộ do các tác giả phía Bắc và một bộ do các tác giả phía Nam biên soạn.

Có thể do điều kiện vận chuyển sách khó khăn, kinh phí vận chuyển cao và do một số nguyên nhân khác nữa, các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế trở ra sử dụng bộ sách của các tác giả phía Bắc; còn các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào sử dụng bộ sách của các tác giả phía Nam.

Tình trạng này đã được Quốc hội khóa X đưa ra “mổ xẻ”. Cuối cùng, theo yêu cầu của Quốc hội, hai bộ sách đã được hợp nhất để dùng chung trong cả nước, không phân biệt Bắc Nam.

GS.Thuyết chỉ rõ: “Nếu Bộ Giáo dục đào tạo cho Sở Giáo dục đào tạo TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành có “đặc thù” biên soạn sách giáo khoa riêng thì giáo dục nước ta sẽ thành 63 mảnh ghép, 63 sứ quân.

Việc để mỗi Sở Giáo dục đào tạo biên soạn sách giáo khoa khác hẳn việc “khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa”. Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa không có quyền lực để các trường phải sợ.

Sách của họ nếu có chất lượng và phù hợp với học sinh thì sẽ được nhiều trường sử dụng, bất kể những trường đó ở địa phương nào. Điều đó mới đúng tình thần và lời văn Nghị quyết 88 của Quốc hội. Bộ Giáo dục đào tạo không có quyền làm trái Nghị quyết này”.

Tác giả bài viết: Ngọc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok