Bộ đề 600 câu hỏi
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, Tổng cục đã đưa vào Dự thảo Thông tư 12 sửa đổi tăng câu hỏi lý thuyết lên 600 câu (trước đây là 450 câu) nhằm tăng cường kiến thức về Luật Giao thông đường bộ cũng như pháp luật an toàn giao thông cho người học lái xe.
Trong 600 câu này sẽ có 100 câu hỏi dạng "liệt". Theo đó, nếu thí sinh làm đúng tất cả câu hỏi, nhưng trả lời sai câu hỏi “liệt” này thì sẽ trượt và hủy kết quả thi lý thuyết. Với 100 câu hỏi liệt thì mỗi bộ đề thi sẽ có 1 câu hỏi liệt.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc đổi mới bộ câu hỏi sẽ bám sát thực tế, đảm bảo dữ liệu ngân hàng câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và quy định hiện hành để áp dụng cho sát hạch lý thuyết; bổ sung câu hỏi liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Tiếp tục tăng độ khó trong sát hạch lái xe với bộ đề 600 câu hỏi, trong đó có 100 câu dạng liệt |
Theo ông Thống, có một số câu hỏi mang tính đặc thù, sát với thực tiễn là điều kiện tiên quyết về một số hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như vượt đường sắt, chuyển làn không xi nhan, phóng nhanh vượt ẩu…
“Bộ đề hiện đã xây dựng, lấy ý kiến các Sở GTVT địa phương và các trung tâm đào tạo sát hạch giấy phép lái xe, Bộ GTVT cũng vừa chấp thuận. Dự kiến, bộ đề sẽ được phát hành trong tháng 6 này, sau đó sẽ xây dựng phần mềm và chuyển giao Sở GTVT địa phương, các trung tâm đào tạo và sát hạch”- ông Thống cho hay.
Tuy vậy, khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn cũng sẽ có độ trễ. Theo đó, khoảng 3 tháng nữa thì mới áp dụng được bộ đề mới này, để các học viên có thời gian làm quen trước khi chính thức áp dụng.
Sẽ có ca bin cầm lái
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ cũng triển khai bổ sung phần mềm sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt camera giám sát lý thuyết, lắp đặt thiết bị giám sát trên xe để giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo lộ trình; bổ sung quy định cơ sở đào tạo phải sử dụng phần mềm để cập nhật thông tin và quản lý đội ngũ giáo viên và xe tập lái.
Theo ông Thống, trong quá trình đào tạo, ngoài các tình huống, sa hình được nhà sản xuất tích hợp, Tổng cục Đường bộ cũng sẽ xây dựng thêm các phần mềm mô phỏng bổ sung vào chương trình đào tạo cho phù hợp với các tình huống diễn ra sao cho sát với thực tế nhất.
“Nghị định 138/2018 của Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị tập lái này. Hiện, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch triển khai trình Bộ phê duyệt. Dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/6/2020, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư “cabin cầm lái” để phục vụ công tác đào tạo lái xe”- ông Thống cho hay.
Đề cập đến việc thời gian học thực hành lái xe ôtô cấp bằng B1, B2 quy định 84 giờ học thực hành và 1.100km lái xe trên đường của học viên hiện không có công cụ để giám sát, ông Thống cho rằng, khi có thiết bị giám sát GPS lắp trên xe tập lái, chắc chắn thời gian, số kilomet của người học sẽ tăng lên theo đúng quy định, giáo viên không bớt được giờ học, khi đó các trung tâm đào tạo sẽ phải tính phí đào tạo theo thực tế.
“Khi đã có hệ thống giám sát, dữ liệu giám sát sẽ được truyền về Tổng cục và các Sở GTVT và để hậu kiểm. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, các trung tâm sẽ phải đầu tư. Đến thời hạn quy định nếu trung tâm nào không chấp hành sẽ xem xét dừng đào tạo hoặc rút giấy phép đào tạo, sát hạch theo Nghị định 46/2016”- ông Thống cho biết.
Tác giả: Hải Dương
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô