Kinh tế

Bộ Công Thương tiếp tục bãi bỏ một quy định "hành" doanh nghiệp

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 4/4/2012.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy trình cấp chứng nhận và dán nhãn tại Thông tư 07 rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí...

So với Thông tư 07 ban hành năm 2012, Thông tư số 36 ban hành ngày 28/12/2016 sẽ thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng. Théo đó, áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.

Đồng thời, cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).

Thông tư 36 cũng cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập. Đồng thời, bãi bỏ toàn bộ Chương II Thông tư số 07 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định tổ chức thử nghiệm và công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm.

Theo đó, tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng bao gồm các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định. Đối với các tổ chức thử nghiệm độc lập và các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất ở nước ngoài không cần đăng ký để được Bộ Công Thương chỉ định hay công nhận, thừa nhận. Các doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chỉ cần gửi hồ sơ, tài liệu chứng minh các phòng thử nghiệm nêu trên đáp ứng các điều kiện và gửi kèm cùng hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công Thương.

Thông tư 36 cũng bổ sung quy định về việc miễn trừ dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại, hàng hóa, phụ tùng thay thế, dự phòng nhập khẩu đơn chiếc phục vụ cho các công trình, dự án, nhà máy sản xuất; hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu; hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu; hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân;

Bổ sung quy định về dán nhãn năng lượng điện tử, theo đó, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng giấy thông thường.

Ứng dụng công nghệ thông tin, Internet tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương online.moit.gov.vn, theo đó doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ online, dịch vụ công ở mức độ 4 xử lý hoàn toàn trên mạng, hoặc gửi hồ sơ về Bộ Công Thương qua đường bưu điện. Cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý hậu kiểm sau khi doanh nghiệp tiến hành dán nhãn và lưu thông trên thị trường.

Chương trình Dán nhãn năng lượng dưới hình thức tự nguyện được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2006 đến năm 2011. Do là tự nguyện nên giai đoạn này có chưa đầy 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Từ đầu năm 2012, chương trình áp dụng chế độ bắt buộc, số lượng doanh nghiệp đăng ký đã tăng lên nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có 665 mã sản phẩm được cấp giấy chứng nhận và dán nhãn trong năm 2012, đến năm 2014 số lượng mã sản phẩm tăng lên 2.655. Trong đó, 7 mặt hàng nhập khẩu được cấp chứng nhận và dán tem nhiều nhất là điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sáng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khẩu cho rằng quy trình cấp chứng nhận và dán nhãn tại Thông tư 07 rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí và gây không ít khó khăn cho họ.

Cụ thể, họ phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần đối với cùng một model sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng do quy định về chứng nhận dán nhãn năng lượng theo lô hàng hóa nhập khẩu, hiệu lực của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng chỉ kéo dài trong 06 tháng.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thử nghiệm hiệu suất năng lượng của các phòng thử nghiệm trong nước còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Thông tư số 07 quy định các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, kể cả sản xuất và nhập khẩu đều phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm độc lập để đảm bảo tính minh bạch, chính xác. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và nhập khẩu.

Ngoài ra, 2 điểm khác tại Thông tư 07 đã và đang bị phàn nàn là gây khó khăn cho doanh nghiệp, gồm quy định việc công nhận và chỉ định các phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng tại nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 02 phòng thử nghiệm độc lập tại Hàn Quốc và Thái Lan đăng ký và được chỉ định. Vì vậy các nhà sản xuất tại nước ngoài không có nhiều lựa chọn trong việc thử nghiệm sản phẩm hàng hóa tại nước ngoài đồng thời cũng không giảm tải được đáng kể cho các phòng thử nghiệm trong nước; đồng thời chưa có quy định về việc miễn trừ thực hiện dán nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại, hàng hóa, phụ tùng thay thế, dự phòng nhập khẩu đơn chiếc phục vụ cho các công trình, dự án, nhà máy sản xuất…

Trước đó, theo phản ánh của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Thông tư 07 ban hành năm 2012 đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa. Cụ thể AmCham cho biết để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất hay các công ty nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định. Việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra.

Trong hoàn cảnh hạn chế về số lượng và năng lực của các đơn vị kiểm tra thì yêu cầu mẫu hàng hóa phải được kiểm tra với từng lô hàng và kết quả kiểm tra chỉ sử dụng một lần đã gây ra tình trạng chậm trễ nghiêm trọng khi thông quan đối với các sản phẩm cần được dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu. Trên thực tế, hàng nghìn sản phẩm vẫn phải thường xuyên tồn kho hàng tháng vì đợi kết quả kiểm tra, gây tốn phí đáng kể cho các nhà sản xuất và nhập khẩu.

AmCham cho rằng, hầu hết các hãng sản xuất thiết bị nổi tiếng trên toàn thế giới như Apple, Dells, Canon, Sony, HP, Samsung... đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng. Sản phẩm của các hãng trên đều đã được kiểm tra bởi các đơn vị được thế giới công nhận, trước khi đưa ra thị trường. Do vậy, qui định buộc các sản phẩm này phải kiểm tra lại là không cần thiết và không phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện hạn chế về năng lực và nguồn lực của các tổ chức kiểm nghiệm tại Việt Nam.

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok