Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần cân nhắc lại việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ bởi giá phân bón trong nước chưa giảm tương xứng so với giá thế giới. Trong ảnh: Tại một doanh nghiệp sản xuất phân bón VN - Ảnh: V. THI |
Việc điều tra trên căn cứ vào yêu cầu của Công ty cổ phần DAP - Vinachem (Đình Vũ, Hải Phòng) và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem (Lào Cai) - hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem), đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương, đang sản xuất 100% mặt hàng phân bón DAP trong nước.
Hai doanh nghiệp được lợi
Ngay sau quyết định của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự không đồng tình việc điều tra vì nghi ngờ nhằm để cứu hai công ty sản xuất DAP (loại phân bón vô cơ, ở VN chủ yếu sản xuất từ quặng apatit).
Theo ông Trần Đăng Khoa - giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Khánh Linh (Kalix), nếu Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ như tăng thuế hay điều chỉnh lượng nhập bằng hạn ngạch DAP, chỉ có các nhà máy sản xuất hưởng lợi, còn thiệt hại thuộc về nông dân.
Với các công ty dùng DAP làm nguyên liệu đầu vào như Kalix, ông Khoa cho biết cũng sẽ phải cân đối lại chi phí để tính vào giá thành, giá bán.
“Khi giá phân bón thế giới tăng, các nhà máy sản xuất trong nước tăng giá bán. Nay giá thế giới giảm, các nhà máy cũng phải giảm xuống mới hợp lý. Chỉ tăng mà không giảm là không công bằng với người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh giá nông sản của VN thời gian qua đã xuống rất thấp”, ông Khoa nói.
Cần sòng phẳng với nông dân
Ông Theerapong Ritmak, tổng giám đốc Công ty Sitto Việt Nam, cho rằng các nhà sản xuất DAP trong nước đổ lỗi cho phân bón nhập khẩu gây thiệt hại cho họ là không hợp lý. Thứ nhất, thị trường phân bón trên toàn thế giới thời gian qua đều giảm giá ở hầu hết chủng loại.
Do đó, giá phân bón nhập khẩu về VN, trong đó có DAP, giảm mạnh so với các năm trước là chuyện đương nhiên. Dù bị áp thuế nhập khẩu 6% nhưng phân DAP nhập khẩu về đến VN, thực tế vẫn có giá rẻ hơn giá bán của các nhà máy trong nước.
Cũng theo ông Theerapong Ritmak, ngoài nguyên nhân về giá, còn một lý do nữa để các nhà sản xuất DAP trong nước khó bán hàng vì DAP trong nước khó tan nên nông dân không thích. Các nhà máy sản xuất phân bón NPK có đầu vào là DAP cũng không chuộng hàng trong nước và thường mua hàng nhập khẩu.
“Các nhà máy trong nước cần phải tính toán để tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu, giảm giá bán để cạnh tranh chứ không thể cầu cứu các chính sách để giữ giá bán cao”, ông Theerapong Ritmak đề nghị.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, cho biết khi giá phân bón thế giới tăng, ngay lập tức người nông dân phải móc thêm hầu bao để trả thêm. Trước xu hướng giá thế giới xuống mạnh như hiện nay, nếu áp ngay thuế tự vệ, ông Hải băn khoăn nông dân khó được hưởng lợi.
Bộ Công thương làm đúng quy định Trả lời Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và tự vệ nói riêng luôn có tác động hai chiều: có lợi cho đối tượng này và bất lợi cho đối tượng khác. Cả 2 hướng này đều được luật pháp quốc tế (các quy định của WTO) và pháp luật VN tính đến. Do vậy việc phòng vệ thương mại sẽ trên nguyên tắc coi trọng lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước. Ông Khánh cho rằng cần coi trọng sự ổn định của sản xuất và việc làm trong trung, dài hạn; không vì những lợi ích ngắn hạn mà để xảy ra đình đốn sản xuất, phá sản, ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm và thu nhập dân, chưa kể thị trường trong nước bị hàng nhập khẩu chiếm lĩnh và thao túng. Ông Khánh lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp tự vệ chỉ áp dụng cho tới khi môi trường cạnh tranh công bằng được thiết lập trở lại. Khẳng định Bộ Công Thương tuân thủ quy định của WTO và pháp luật VN, ông Khánh nói: nếu tổ chức, cá nhân có cơ sở để cho rằng quyết định của Bộ Công Thương không tuân thủ quy định có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Ngọc Anh |
Tác giả: Trần Mạnh
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ