Giáo dục

Bỏ biên chế giáo dục: Tăng lương cho giáo viên bằng nguồn tiền ở đâu?

GS.TSKH Đào Trọng Thi cho rằng, việc tăng lương cho giáo viên có thể dựa vào việc tăng học phí ở một số cấp học không phổ cập giáo dục...

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề thu nhập của giáo viên.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thu nhập của giáo viên hiện nay còn thấp. Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên nên muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn.

Vấn đề tăng lương, cải tiến thu nhập cho giáo viên lại một lần nữa đặt ra khi mà mới đây, người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên. Việc tuyển dụng sẽ theo chế độ hợp đồng "có vào - có ra", có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.

Phóng viên VOV.VN có cuộc phỏng vấn Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội góp ý về những vấn đề được Tư lệnh ngành Giáo dục nêu trên.

GS.TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội


Có thể tăng lương cho giáo viên từ việc tăng học phí

PV: Thưa GS, nếu thực hiện thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục thì chúng ta có thể tăng lương cho giáo viên bằng nguồn tiền từ đâu và cách thức nào?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Việc tăng lương cho giáo viên có thể dựa vào việc tăng học phí.

Những cấp học phổ cập như: Mầm non 5 tuổi, Tiểu học, học sinh không phải đóng học phí. Cấp THCS, THPT, việc thu học phí cũng không nhiều. Còn ở những vùng, miền khó khăn, vùng sâu, vùng xa, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ học sinh. Chúng ta không thể tăng học phí ở những nơi này hay ở các cấp học đã phổ cập.

Còn lại những cấp học không phổ cập giáo dục như ở bậc Đại học, trường dạy nghề; các trường mầm non ngoài công lập. Những khu vực này, các trường có thể dựa vào việc thu học phí của người dân để tăng lương cho giáo viên.

Tuy nhiên, việc thu học phí của người dân cũng chỉ ở mức giới hạn, thực hiện theo lộ trình, chứ không thể vượt quá khả năng kinh tế của đông đảo của nhân dân. Song song với việc tăng học phí thì những bậc học, khu vực trên phải nâng cao chất lượng đào tạo.

Việc tăng lương cho giáo viên ở tất cả các cấp học là bài toán rất khó vì nhà trường, lĩnh vực giáo dục có đặc thù riêng, hoạt động không thể giống với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Chúng ta phải đảm bảo cơ hội học tập cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Ngân sách Nhà nước khó có thể tăng thêm

PV: GS nghĩ như thế nào khi có thể tăng ngân sách của Nhà nước để tăng lương cho giáo viên?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Hiện nay, nước ta đã dành 20% ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Nhà nước ưu tiên cho phát triển giáo dục. Nếu bây giờ mà tính tăng ngân sách Nhà nước để tăng lương cho giáo viên cũng khó khả thi vì nước ta còn nhiều lĩnh vực phải tính toán đầu tư và phát triển.

PV: Theo GS, việc tăng lương cho giáo viên nên thí điểm như thế nào và thực hiện ở đâu trước?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Tôi cho rằng, việc thí điểm không còn biên chế giáo dục và tăng lương cho giáo viên có thể áp dụng được nhưng quy mô không lớn. Việc thí điểm nên dựa vào chọn lựa địa phương và từng cấp học để thực hiện.

Nên thay đổi lại hình thức miễn giảm học phí cho sinh viên Sư phạm

PV: Thưa GS, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường Sư phạm thì chúng ta nên bỏ chính sách miễn giảm học phí đối với sinh viên. Khi có nguồn thu từ học phí của sinh viên thì các trường Sư phạm có thể trả lương cao hơn cho giảng viên. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Tôi cho rằng, việc miễn giảm học phí đối với sinh viên các trường ĐH Sư phạm là một chủ trương nhân văn nhằm khuyến khích học sinh giỏi vào học.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhiều sinh viên vào ĐH Sư phạm nhưng khi tốt nghiệp lại không làm công tác giảng dạy và phục vụ trong môi trường giáo dục. Chính vì vậy, chính sách miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm không đạt được yêu cầu mong muốn và Nhà nước cũng không thể thu hồi được tiền trợ cấp cho sinh viên trong suốt thời gian học.

Trước những bất cập trên, tôi và nhiều người đã đề cập một chính sách khác là sinh viên trường ĐH Sư phạm sẽ được vay tiền ở ngân hàng với chế độ ưu đãi để đóng học phí. Nếu như sinh viên đó tốt nghiệp ĐH, sau này công tác và phục vụ trong ngành Giáo dục và các trường học thì phần tiền vay ngân hàng để trang trải học phí trong suốt quá trình học sẽ được Nhà nước miễn phải trả.

Còn nếu sinh viên Sư phạm đã tốt nghiệp mà đi làm công việc khác thì buộc phải hoàn lại số tiền đã vay ngân hàng.

Với sự thay đổi trên, các trường ĐH Sư phạm sẽ có thêm kinh phí hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và trả lương tăng thêm cho giảng viên.

Bên cạnh việc thay đổi hìn thức miễn giảm học phí đối với sinh viên thì các trường ĐH Sư phạm cũng phải thu hẹp quy mô, cơ cấu lại theo hướng nơi nào thiếu giáo viên thì phải được tăng cường cung cấp nguồn nhân lực cho nơi đó. Việc cơ cấu các trường ĐH Sư phạm còn ở quy hoạch, sắp xếp lại cấp bậc học, ngành nghề, trình độ của giáo viên ở các vùng miền.

Có như vậy, các trường ĐH Sư phạm mới giảm được tình trạng nơi đào tạo thừa giáo viên, nơi thì rất ít; giáo viên giảng dạy ở các môn học thừa-thiếu không phù hợp với nhu cầu giảng dạy ở các địa phương.

PV: Xin cảm ơn GS!/.

Tác giả: Bích Lan

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok