Du lịch

Bộ ảnh chu du ở Mông Cổ tuyệt đẹp của cô gái 9x

Chuyến đi của Mai Hương tới bộ lạc tuần lộc ở Mông Cổ là một hành trình nhiều ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng khó quên.

Vùng đất Mông Cổ không quá xa lạ với nhiều người thích khám phá nhưng bộ ảnh hành trình đến bộ lạc Tsaatan của cô nàng Phạm Mai Hương sinh năm 1991, tốt nghiệp ngành báo chí trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) mang đến cho người xem một cảm nhận về một Mông Cổ thật đẹp, đặc biệt và lạ lẫm. Là một cô gái có thân hình nhỏ nhắn, nhưng chính sự gan dạ và quyết tâm chinh phục, Mai Hương đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở một vùng đất lạ.

"Tôi đã đặt chân đến một vùng đất được coi là “xa xôi hẻo lánh, tách biệt nhưng là một phần đặc biệt của thế giới”. Đó là vùng cực bắc của Mông Cổ, giáp ranh giới Nga. Để tìm đến bộ lạc Tsaatan, tôi phải trải qua nhiều chặng xe và cả ngựa để xuyên qua những cánh rừng taiga phủ đầy băng tuyết", Mai Hương chia sẻ.

Bộ lạc Tsaatan là bộ lạc tuần lộc cuối cùng của Mông Cổ. Rất nhiều lời cảnh báo rằng bộ lạc này sắp biến mất. Đó là lý do tôi đã dành 10 ngày còn lại ở Mông Cổ, chấp nhận một hành trình gian nan chưa từng thấy để đến tận đây thực hiện ý tưởng làm phim và phóng sự ảnh về họ. Một bộ phim của riêng tôi.

Nếu như bạn hỏi tôi “Hành trình nào là đáng nhớ và đáng sợ nhất?”. Tôi sẽ nói “Đó là hành trình tìm đến bộ lạc Tsaatan. Đó là một hành trình đầy ám ảnh, gian nan, mệt mỏi và nhiều trải nghiệm chưa từng thấy”…. Và cảm thấy có thật nhiều cảm xúc khi họ nói đây là lần đầu tiên họ gặp người Việt Nam. Và cũng là lần đầu tiên có người Việt tìm đến bộ lạc của họ, sống cùng họ như thế này.

Có thể bạn từng gặp những túp lều cổ, những con tuần lộc bên hồ Khovsgol (Khuvsgul Lake) ở Moroon, nhưng đó không phải là nơi Tsaantan sống. Các Tsaatan không và chưa từng có truyền thống sống gần hồ Khovsgol. Trong nhiều năm trở lại đây, có một số lượng rất nhỏ gia đình người Tsaatan đã chọn di chuyển đến hồ để khai thác nguồn thu từ du lịch. Nhưng thực tế khu vực hồ này không phải là nơi sống tốt cho tuần lộc. Thức ăn ít và khí hậu quá ấm với tuần lộc. Thậm chí họ còn giả làm nghi lễ Shaman (thầy phù thuỷ) để kiếm tiền.

Trong khi đó những người Tsaatan chân chính vẫn quyết tâm ở lại rừng Taiga – nơi mà tuần lộc của họ hoàn toàn được khoẻ mạnh. Và tôi cũng quyết tâm rằng mình sẽ chỉ chọn khám phá bộ lạc tuần lộc ở chính nơi đó.

Tôi không biết mình liệu có phải người Việt đầu tiên đến đó và sống cùng họ không, nhưng với hành trình mình trải qua, lần đầu tiên tôi cảm thấy tự hào về sự chịu đựng của bản thân mình. Tôi đã có 4 ngày sống cùng họ. Và đó sẽ là quãng thời gian tôi không thể nào quên. Tôi hoàn toàn thiếu thông tin và kinh nghiệm cho hành trình vì có vẻ như chưa từng có người Việt nào tìm đến đó, cũng chưa từng có một bài chia sẻ bằng tiếng anh nào viết về hành trình. Toàn bộ thông tin mà tôi có là những lần cùng Nevar (bạn đồng hành trong hành trình) lân la các nhóm du lịch Mông Cổ để hỏi và thu thập thông tin, kinh nghiệm cho chuyến đi.

Từ thủ đô Ulaabaatar tôi phải đi chuyến xe bus dài 18 tiếng cho 700 km để đến Moroon. Xe chật chội và bị nhồi nhét hàng hoá. Sau đó, từ Moroon tôi tiếp tục phải đi chuyến xe duy nhất (vài ngày mới có một chuyến) để đến được Tsagaan Nuur. Đây mới thật sự là chuyến xe kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi từng đi. Xe minivan 10 chỗ nhưng luôn bị nhồi nhét 15-16 người cùng một mớ hàng hoá hỗn độn khiến chỗ ngồi cực kỳ chật chội và ngột ngạt. Tài xế thản nhiên hút thuốc trên xe. Người Mông Cổ thì hay có thói quen chen lấn nên họ sẽ chèn ép bạn ngồi bẹp dí.

Chặng đường 300km nhưng dài đến 12 16 tiếng vì đường vô cùng xóc và bùn lầy. Và tôi đã bị nôn mửa suốt chặng đường đi, chân tay thì tê cứng vì không thể cử động. Đến Tsagaan Nuur rồi tôi được thả tại nhà người hướng dẫn của mình. Đi đóng dấu vào giấy phép và bắt đầu đi ngựa vượt qua 3 ngọn đồi và những khu rừng Taiga để tìm đến bộ lạc tuần lộc.

Chặng đường 300km nhưng dài đến 12 – 16 tiếng vì đường vô cùng xóc và bùn lầy. Và tôi đã bị nôn mửa suốt chặng đường đi, chân tay thì tê cứng vì không thể cử động. Đến Tsagaan Nuur rồi tôi được thả tại nhà người hướng dẫn của mình. Đi đóng dấu vào giấy phép và bắt đầu đi ngựa vượt qua 3 ngọn đồi và những khu rừng Taiga để tìm đến bộ lạc tuần lộc.

Đường đến bộ lạc Tsaatan rất khó đi, hoàn toàn không có đường mòn và rất nhiều nước với bùn. Khoảng 70% địa hình là bùn lầy và cỏ mọc trên nước, 20% đường khô và 10% là sông suối. Vì vậy chỉ nên di chuyển với ngựa hoặc tuần lộc nếu bạn không muốn lội bùn dưới tuyết.

Dựng lều ngủ đêm trên tuyết trong rừng Taiga là một trong những trải nghiệm kinh khủng và nhớ đời nhất. Từ Tsagaan Nuur đến chỗ bộ lạc tôi phải di chuyển bằng ngựa cùng người hướng dẫn để xuyên qua những cánh rừng Taiga và 3 ngọn núi phủ đầy băng tuyết với khung cảnh ma mị chưa từng thấy. Chúng tôi bắt đầu lên ngựa từ lúc 12 giờ trưa, tuyết phủ rất dày và có mưa khiến cả người và ngựa đều rét run. Chúng tôi đều cảm thấy kiệt sức. Tôi nhớ như in cảm giác lúc 9h30 phút tối, mọi thứ đều mờ đi, xung quanh là một màn trắng xoá của tuyết. Những cây thông thân đen lá vàng phủ tuyết trắng xoá khiến không gian trở nên lạnh lẽo. Tôi bắt đầu lo lắng vì trời đã tối mà chúng tôi vẫn chưa thể ra khỏi rừng, quanh đó còn có chó sói. Và loanh quanh một hồi Odaa làm ngôn ngữ cơ thể với vài từ tiếng anh rời rạc “Không Tsaatan hôm nay. Hãy ngủ lại đây”. Nói rồi Odaa dẫn tôi và Nevar quay ngược ra khỏi rừng tìm đến một chuồng ngựa bị bỏ hoang và nói sẽ ngủ ở đây.

Quá mệt để hỏi thêm điều gì, tôi và Nevar nhanh chóng dựng lều và huy động toàn bộ quần áo ấm lót xuống dưới chiếu cách nhiệt để chui vào túi ngủ. Chúng tôi quyết định tối nay sẽ ngủ chung lều để giữ nhiệt, chia nhau mỗi đứa hai miếng dán nhiệt. Nevar dán ở ngực và lưng. Còn tôi dán vào 2 lòng bàn chân vì tôi nghĩ nếu 2 bàn chân lạnh thì cả người sẽ lạnh. Đến nửa đêm tôi thấy người Nevar lạnh ngắt và run lên từng chập. Cảm thấy lo lắng nên tôi nhanh chóng gỡ 2 miếng dán nhiệt khỏi chân mình để dán vào chân cho cô bạn. Lát sau tôi không còn thấy cô bạn bị run nữa. Nhưng tôi thì lại bị lạnh đến mức không thể ngủ nổi, lạnh một cách khủng khiếp. Cái lạnh của rừng Taiga thật ám ảnh, nó có thể xuyên thấu qua tất cả các lớp vải để ngấm vào người.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất khi đến với bộ lạc vẫn lại là chuyện ngủ. Giấc ngủ tại một trong những nơi lạnh lẽo nhất thế giới đúng là ám ảnh. Đêm đầu tiên trong lều của mình tôi vẫn không thể ngủ nổi sau khi củi lửa đã tắt. Chúa ơi, không lẽ cứ vừa ngủ vừa dậy nhét củi vô bếp sao. Tôi nằm trằn trọc mấy tiếng đồng hồ đến 3h sáng thì quyết tâm lò mò chui ra khỏi chăn để dậy nhóm bếp. Tôi có bao diêm và…. một cuốn nhật ký. Khóc không thành tiếng luôn. Dù rất thương nhật ký nhưng vì sinh tồn tôi đành xé nó để làm mồi lửa nhóm củi. Tôi xé gần hết cuốn nhật ký và thổi phù phù lửa mới bắt đầu bùng lên và bắt vào củi. Chân tay mặt mũi nhem nhuốc tôi lại đi ngủ tiếp.

Đêm thứ 2 tại bộ lạc tôi hẹn giờ, cứ một tiếng đồng hồ tôi dậy châm củi một lần để giữ lửa được duy trì cả đêm. Và đến ngày thứ 3 thì tôi chính thức lăn ra ốm vì 3 đêm liền mất ngủ. Lạnh cũng mất ngủ và không lạnh cũng không thể ngủ. Đêm thứ 3 tôi quyết định ôm chăn gối qua lều của gia đình Tsaatan để xin ngủ một góc trong lều của họ. Đêm đó tôi được ngủ trong một không gian vô cùng ấm áp và được chứng kiến toàn bộ cảnh sinh hoạt về đêm của gia đình Tsaatan. Cùng họ quây quần bên bếp lửa và cắn hạt thông, nghe họ hát hò và nói chuyện. Đó thật sự là một trong những ký ức đẹp nhất mà tôi từng trải qua. Có lẽ nếu không có những đêm lạnh lẽo kia thì tôi đã không có được buổi tối ấm áp và ngọt ngào như thế.

Lần hoảng hốt ở bộ lạc đó là ngày thứ 4 tôi sống cùng họ. Sáng sớm ngủ dậy chui ra khỏi lều thấy họ dỡ các lều để dời đi nơi khác. “Ôi mẹ ơi” – tôi thốt lên – “Cái quái gì thế?”. Dẫu biết họ là dân du mục, có thể dời đi bất cứ lúc nào nhưng mà sao tôi đen đủi quá vậy, họ cũng chẳng báo cho tôi biết. Theo lịch trình thì ngày mai người hướng dẫn sẽ đến đón tôi rời khỏi đây. Vậy mà hôm nay họ dỡ lều dời đi. Không lẽ đêm nay tôi ngủ một mình giữa nơi núi rừng này. Tôi cuống lên tìm mọi cách liên lạc về cho người hướng dẫn và may mắn trưa hôm đó có người khác đến đón tôi và Nevar về.

Rào cản ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất khi đặt chân đến nơi đây. Tất cả người ở bộ lạc đều không biết tiếng Anh. Tất cả những gì chúng tôi có thể giao tiếp với nhau là các hình vẽ nhanh trên giấy, ngôn ngữ cơ thể và một vài từ rời rạc trong cuốn từ điển. Nhưng may mắn cho tôi là trong ngày thứ 3 có một đoàn leo núi người Mông Cổ ghé qua, họ biết nói tiếng Anh. Tôi mừng như vớ được vàng liền nhờ họ hỏi giúp vài câu quan trọng cho bài viết".

Tác giả bài viết: Linh San - Ảnh: NVCC

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok