Đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Tam Chung chúc Tết bà con bản Poọng. Ảnh: Lê Đồng |
Ký ức buồn
Dọc con đường quanh co uốn lượn dẫn vào bản Poọng, mùa Xuân này đã nhuộm thắm sắc hoa đào. Lòng chúng tôi cũng như đang khởi sắc khi nhìn những đôi trai gái người dân tộc Thái, Mông tay trong tay, say mê với điệu khèn dập dìu gọi bạn.
Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung, BĐBP Thanh Hóa, chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng. Bình thường gặp khách lạ, người dân nơi đây rất khó mở lời, nhưng thấy có cán bộ Biên phòng đi cùng, Trưởng bản Poọng cười tươi hẳn lên. Ông hồ hởi ra tận cổng mời chúng tôi vào nhà, rồi “phát lệnh” cho vợ con chuẩn bị rượu, trà đãi khách quý. Trong ngôi nhà mới khang trang gia đình vừa xây dựng được, sẵn có ly rượu “khai vị”, Trưởng bản Poọng nhớ lại: “Ma túy, HIV ở bản Poọng giờ là câu chuyện của quá khứ xa vời. Ngày ấy, bản Poọng bị “cơn bão” ma túy hành hạ khổ không thể nói bằng lời. Ma túy đã làm cho nhiều gia đình tan nát, bố mẹ mất con, vợ chồng chia lìa, con cái côi cút...”.
Theo lời kể của trưởng bản, ấy là vào thời điểm từ năm 2010 trở về trước, “cơn bão” ma túy từ bên kia sườn núi “đổ bộ” vào bản Poọng, gây nên những tấn bi kịch cho những con người vốn thật thà chất phác, quanh năm chỉ biết làm bạn với nương rẫy, ruộng vườn. Gần một nửa dân số trong bản chìm trong cơn mê, nhà cửa, đất đai, thậm chí đến cả xoong nồi, chén bát cũng lần lượt “đội nón ra đi” để đổi lấy những khoảnh khắc mơ màng, nghiệt ngã của ma túy. “Tiền mất, tật mang”, bản Poọng lại phải chứng kiến hàng loạt con nghiện thân tàn ma dại, lần lượt “rủ nhau” về “bên kia thế giới” do mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Đỉnh điểm là vào quãng từ năm 2005-2007, hầu như ngày nào bản Poọng cũng lặng lẽ tiễn đưa một vài người “kết thúc cuộc đời” do ma túy. Bi kịch càng chồng chất khi những nạn nhân đa số đều là thanh niên trai tráng đang trong độ tuổi lao động chính.
Nhấp chén rượu, Trưởng bản Poọng đưa mắt nhìn xa xăm rồi trở về với thực tại. Giọng ông chợt khỏe khoắn hẳn lên: “May nhờ có cán bộ của Đồn Biên phòng Tam Chung và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, cơn bão ma túy cuối cùng cũng đã được ngăn chặn, đẩy lùi. Bản Poọng hôm nay khác xưa nhiều lắm, các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang. Đời sống của bà con cũng đang hồi sinh và từng bước đi vào ổn định”.
Hồi sinh “vùng đất ma túy”
Với quyết tâm bền bỉ xua đuổi “nàng tiên nâu”, đem lại sự bình yên cho bản Poọng, Đồn Biên phòng Tam Chung nói riêng, BĐBP Thanh Hóa nói chung đã “xắn tay áo” vào cuộc quyết liệt. Đầu tiên là cuộc “Tổng tấn công” tội phạm ma túy, với hàng loạt chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ được triển khai dọc tuyến biên giới, đánh tổng lực vào hang ổ và những đường dây tội phạm ma túy có quy mô lớn, “nhổ tận gốc” những đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy trên địa bàn. Song song với việc sử dụng “quả đấm thép”, Đồn Biên phòng Tam Chung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục người dân trên địa bàn “nói không” với ma túy. Chỉ huy đơn vị tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.
Bà con bản Poọng đón Tết trong niềm vui no ấm. Ảnh: Lê Đồng |
Thượng tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết: “Để bản Poọng hồi sinh như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực vượt khó với quyết tâm cao nhất của lực lượng BĐBP và cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, chuyển hóa địa bàn phải vừa đánh, vừa củng cố. Nghĩa là, với những đối tượng, đường dây mua bán, cung cấp phải trừng trị nghiêm, “nhổ tận gốc”, còn số con nghiện cần tuyên truyền, thuyết phục, hỗ trợ cai nghiện để họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với những biện pháp nêu trên, đơn vị đẩy mạnh công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng và tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn triệt để ma túy thẩm thấu vào địa bàn, nhất là các bản đồng bào dân tộc thiểu số...”.
Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và đồn Biên phòng, sự đồng lòng vượt khó của người dân, bản Poọng đã có những nhịp hồi sinh thần kỳ. Các mô hình trồng lúa nước, trồng rừng (xoan, lát) được triển khai, nhân rộng tới mọi gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong bản hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi để cập nhật thông tin và giải trí, nhiều hộ sắm máy xay xát, máy cày, giải phóng dần sức lao động con người. Cùng với đó, người dân bản Poọng đã biết khai hoang trồng lúa nước, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác cho năng suất cao, biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý, nâng cao giá trị kinh tế. Bản Poọng hiện có 89 hộ với 405 nhân khẩu, trong 5 năm trở lại đây, tình trạng thiếu lương thực vào lúc giáp hạt đã được xóa bỏ. Nhiều gia đình thoát nghèo bền vững đang “chuyển mình” vươn lên làm giàu.
Phát triển kinh tế song song với củng cố quốc phòng - an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là những vấn đề sống còn đối với một khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực biên giới. Từ một vùng đất được mệnh danh là “cái rốn” ma túy, bản Poọng hôm nay không còn người nghiện mới, không phát sinh thêm trường hợp lây nhiễm HIV, trật tự an ninh địa bàn được giữ vững. Đây là cơ sở để khu dân cư trên đỉnh Sài Khao tiếp tục “chuyển mình” vươn lên.
Chia tay bản Poọng, chia tay những người lính Biên phòng Tam Chung trong ngày đầu Xuân, chúng tôi tin tưởng sẽ còn nhiều kỳ tích đến với các chủ nhân vùng biên giới trên đỉnh Sài Khao. Bởi, “vật cản” lớn nhất mang tên ma túy đã được đẩy lùi thì những khó khăn thử thách khác sẽ trở nên nhỏ bé với quyết tâm phi thường của quân và dân nơi đây.
Tác giả: Lê Đồng
Nguồn tin: Báo Biên phòng