“Bird-eye” là danh từ gợi cho tôi nhiều cảm xúc nhất mỗi khi đọc về một vùng đất nào. Tạm dịch ra tiếng Việt là “góc nhìn của những chú chim”, chỉ thế thôi cũng đủ để tưởng tượng rằng bạn sẽ tha hồ phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống dưới và xung quanh. Để làm được điều này, ngoài việc nhảy dù thì chỉ có những quả khinh khí cầu mới đủ sức thõa mãn cái khao khát lâng lâng giữa không trung.
Từ sáng sớm, những chiếc khí cầu đã lần lượt chuẩn bị cất cánh chở theo bao tâm hồn đang háo hức. |
Trong những điểm đến có tour khinh khí cầu từ Bargan - Myanmar, Angkor - Campuchia, Loire Valley – Pháp… có lẽ hành trình ở thung lũng núi lửa cổ đại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ là ấn tượng và đong đầy cảm xúc nhất.
Tuy vậy, khoan hãy bước vào chiếc giỏ lớn treo dưới quả cầu chứa khí nóng mà chưa làm một vòng quanh vùng đất được UNESCO công nhận là di sản thế giới này. Hãy để chiếc xe và người hướng dẫn am hiểu đưa bạn đi khắp ngõ ngách của bảo tàng ngoài trời Goreme, thung lũng Red và Rose, làng Cavusin, thung lũng Uchisar, thị trấn Avanos.
Cappadocia thực chất là tên gọi của vùng đất chứ không phải danh từ chỉ riêng tỉnh thành ở miền trung Thổ. Có nhiều nguồn gốc của tên gọi này nhưng người ta cho rằng trong ngôn ngữ Luwian của người bản địa mang nghĩa vùng đất trũng. Bản thân Cappadocia được hình thành từ hàng triệu năm trước khi những hoạt động địa chất làm phân tách và kích thích nhiều ngọn núi lửa hoạt động, phun ra dung nham phủ khắp bề mặt.
Với sự xuất hiện của con người, nhiều hang động trong lòng đất ở Cappadocia hình thành và thời gian cũng như tự nhiên đã tạo nên rất nhiều cảnh quan thú vị như những “cây nấm” khổng lồ, ngọn núi hình chiếc răng, thung lũng chim bồ câu…
Đó là lý do mà nhiều du khách nhất định không muốn bỏ lỡ chuyến đi khinh khí cầu vào sáng sớm ở Cappadocia. 4h sáng, khí trời đang se se lạnh và màn đêm vẫn phủ kín khắp các con đường. Anh lái xe có vẻ quá quen thuộc với địa hình nên thoải mái đạp ga với chỉ hai ngọn đèn phía trước.
Chúng tôi dừng lại ở một khu lán trại với bàn, ghế, bánh mì và cà phê để sẵn. Các du khách đang dần lấp đầy và không khó để nhận ra đội ngũ nhân viên đang làm việc nhanh chóng để thổi những quả khí cầu nóng lên. Những tiếng phù phù mạnh mẽ phun ra của dòng khí ga khiến nhiều người đang mất dần sự kiên nhẫn. Vài quả khí cầu đã từ từ bay lên trên nền trời xanh xám còn khá tối, còn chúng tôi vẫn đứng đây. Lại thêm một chuyến xe nữa đi sâu vào bãi đất trống bằng phẳng. Đây sẽ là nơi quả khinh khí cầu của công ty Kaya Ballons khởi hành.
Những tia nắng của ngày mới chiếu sáng khu thung lũng nấm chuyển mình sau giấc ngủ đêm. |
Ấn tượng đầu tiên là hàng trăm quả bóng khổng lồ đang vươn mình khắp thung lũng, trông như những hạt giống của cây bồ công anh đang được thả đi theo gió tìm một phương trời mới.
Những người lái khinh khí cầu được gọi là phi công đều phải trải qua những khóa huấn luyện chuyên nghiệp và được cấp bằng. Anh phi công của nhóm chúng tôi trạc tầm 40 tuổi, gần gũi, điềm tĩnh nhưng không kém phần dí dỏm qua những câu nói đùa với khuôn mặt nghiêm trang. Anh cho biết, họ đa phần bay vào buổi sáng và một năm có khoảng 60 – 65 ngày họ phải hủy chuyến bay bởi thời tiết xấu, đặc biệt là khi vận tốc gió trên mặt đất cao hơn 20km/h.
Để giữ khí cầu cân bằng mỗi giỏ sẽ có 20 người chia đều hai bên, phi công và bình ga ở chính giữa. Họ sẽ lái bằng những sợi dây thừng để điểu khiển sang trái, phải, thẳng hay lùi và nếu muốn lên cao hoặc hạ thấp có thể mở cần gạt khí ga đốt nóng bên trong khí cầu.
Tiếng xì mạnh mẽ của dòng ga bị đốt cháy rất kích thích, ngọn lửa bùng lên là lúc chiếc khinh khí cầu có dấu hiệu chuyển động. Anh nhân viên mặt đất kéo chiếc giỏ di chuyển ra rìa thung lũng mang theo những tâm hồn hứng khởi rời khỏi mặt đất trên nền trời đang hừng đỏ. Quả bóng khổng lồ lướt qua những cây lựu, táo và dưới con đường mòn nối các thị trấn làn sương mỏng mập mờ vẫn chưa tan.
Không khó để nhận ra làng Cavusin với khách sạn trong lòng núi hay vô số ô vuông được khoét sâu vào đá. Mọi thứ bên dưới nhỏ dần khi chiếc khinh khí cầu được tiếp thêm khí nóng và ánh sáng đầu tiên của ngày dần xuất hiện ngay sau ngọn núi cao hình thành từ đá núi lửa.
Phải mất chừng 10 phút nữa dân làng mới nhận được những tia sáng trong lành của buổi ban mai, còn chúng tôi đang thỏa thuê để mặt trời soi chiếu trong niềm hứng khởi. Cả một vùng thung lũng thức giấc, những “cây nấm đá” khổng lồ như vươn mình đón nắng sớm. Rất nhiều quả khí cầu đang hạ sát qua những cây cột đá sừng sững để du khách tha hồ chụp ảnh và ngắm nhìn từ trên cao.
Có đứng trên giỏ khí cầu và nhìn ra xung quanh mới thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên. Trên một vùng rộng lớn, những khe nứt uốn lượn tạo thành nhiều khu thung lũng và những tảng đá đủ hình đáng mọc lên rải rác. Anh phi công để mọi người thả hồn với nắng, gió và bốn bề khung cảnh. Chỉ có tiếng khí ga thi thoảng lại phát ra kéo mọi người trở về thực tại. Thú vị nhất là khi chiếc giỏ khí cầu chầm chậm sượt qua cột đá, có chút gì đó lo lắng lẫn kích thích. Chuyến lên cao thật cao lần cuối cùng để ôm trọn góc nhìn về Cappadocia bên dưới trước khi anh phi công khéo léo đưa chiếc giỏ khí cầu hạ cánh ngay trên thùng sau của chiếc xe kéo.
Du khách vui mừng nhận chứng nhận bay khinh khí cầu. |
Chai vang sủi được mở ra trong tiếng vỗ tay của 20 du khách, từng người được phát một tấm giấy có đầy đủ tên họ chứng nhận đã tham gia tour khí cầu tại Cappadocia. Nắng đã phủ đầy khắp thung lũng, bữa sáng cùng chút rượu thơm mùi trái cây như giúp ngày mới thêm trọn vẹn. Đọng lại vẫn là cảm giác tự do bất tận trên không trung như những cánh chim trời, tha hồ chao lượn lên xuống giữa vùng đất được tạo nên từ dung nham núi lửa cổ đại.
Tác giả bài viết: Hoài Nam