Theo đó, Bình Dương được đầu tư tuyến bus nhanh (BRT) nối thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên (TP.HCM) chiều dài 30,8km, bao gồm 4 phân đoạn và dự kiến xây dựng 4 cầu vượt đi trùng với đường nội đô thành phố mới Bình Dương.
Bình Dương sắp xây dựng tuyến bus nhanh bằng nguồn vốn vay ODA từ Nhật Bản. |
Tổng mục đầu tư dự án được phê duyệt là 80 triệu USD, tương đương khoảng 1.822 tỷ đồng. Trong đó về vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Bình Dương dự kiến vay khoảng 65,37 triệu USD, tương đương khoảng 1.484 tỷ đồng. Đây là vốn vay là của tổ chức JICA - Nhật Bản được tỉnh Bình Dương vay lại 100% từ Chính phủ và có trách nhiệm bố trí nguồn hoàn trả gốc và lãi vay.
Số vốn còn lại hơn 388 tỷ đồng là vốn đối ứng của tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch được phê duyệt, dự án sẽ được thực hiện trong thời gian từ 2018 đến 2020.
Trước đó, tỉnh Bình Dương và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có đề xuất lên Chính phủ bày tỏ nguyện vọng được vay vốn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 1.600 tỷ đồng để làm hệ thống bus nhanh BRT như Hà Nội.
Theo tỉnh Bình Dương, Dự án phát triển BRT là cần thiết vì giúp kết nối vì giúp kết nối thông suốt giúp ngắn hành trình giữa các trục giao thông đô thị của tỉnh này với TP.HCM và Đồng Nai.
Trong văn bản góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị tỉnh Bình Dương nghiên cứu kỹ ưu nhược điểm của mô hình BRT đang triển khai tại TP.HCM và Hà Nội để đánh giá lại sự cần thiết đầu tư và tính toán hiệu quả đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn là nguồn vay nước ngoài.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí