Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, PV tìm đến nhà bà Đoàn Thị Hương, xóm Trường Sơn, phường Đông Sơn, TX. Bỉm Sơn, người phụ nữ này đã ròng rã nhiều năm làm đơn “kêu cứu” lên các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, mong muốn được hỗ trợ phần nào khi có tới 4 ha trồng dứa của gia đình đứng trước nguy cơ mất trắng. Nguyên nhân được bà Hương cho là bị ảnh hưởng bởi việc nổ mìn để sản xuất và khai thác đá của Công ty xi măng Long Sơn.
Hoạt động khai thác, sản xuất của Công ty xi măng Long Sơn ảnh hưởng đến nhiều héc-ta mía của người dân |
Để chứng minh những vấn đề trên, bà Hương dẫn chúng tôi tới khu vực Đồi Giăng nằm gần mỏ đá, nơi cả gia đình bà trông chờ vào từng héc-ta dứa để mưu sinh. Không giấu nổi được sự bức xúc, bà Hương lắc đầu ngao ngán nói: Đây là diện tích đất vợ chồng bà khai hoang từ những năm 1989 - 1990, được gia đình sử dụng để trồng dứa, phát triển kinh tế cho gia đình. Thế nhưng, kể từ khi Công ty xi măng Long Sơn mở rộng diện tích, xây dựng dây chuyền mới, biết bao hệ lụy môi trường, từ khói bụi, tiếng ồn rồi đến đường giao thông đi lại khó khăn. Thậm chí hoạt động nổ mìn khai thác đá của họ xảy ra bất thình lình trong ngày mà không có cảnh báo, thông báo gây nguy hiểm đến tính mạng người dân sống xung quanh. Chưa kể, đá văng vào khu vực canh tác khiến rất nhiều cây bị dập nát, khói bụi bao trùm khiến năng suất giảm đáng kể.
Chưa dừng lại ở đó, con mương thoát lũ và phục vụ tưới tiêu cũng bị Công ty xi măng Long Sơn chặn dòng, san lấp thành đường đi, dẫn đến nhiều héc-ta dứa bị ngập úng mỗi khi mưa xuống. Phía Công ty chỉ khắc phục sơ sài bằng cách chôn ống nước thông dòng chảy, tuy nhiên tình trạng ngập úng vẫn không được cải thiện. Cũng theo bà Hương, gia đình bà cùng một số người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên UBND phường Đông Sơn, phía nhà máy cũng đã hứa sẽ đền bù thiệt hại hoa màu, song đến nay gia đình bà vẫn chưa nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào.
Quá trình khai thác, vận chuyển nguyên vật liệu của Công ty xi măng Long Sơn khiến đường đi vào khu vực đất canh tác bị cày xới nham nhở |
Cùng chung cảnh ngộ với bà Hương, ông Vũ Việt Phương, xóm Trường Sơn, phường Đông Sơn tỏ ra khó hiểu và bất lực trước sự “chây ì” trong công tác đền bù từ phía doanh nghiệp. Ông Phương giãi bày: Công ty xi măng Long Sơn xây dựng nhà máy với 3 dây chuyền sản xuất, từ năm 2017 họ tiến hành khai thác đá và sét để làm nguyên liệu sản xuất kinh doanh. Thời điểm ấy, nhà máy đắp đường khai thác đá cao 30 m và đổ đất tràn sang vườn gia đình khoảng 2 ha, làm gãy toàn bộ cây cối hoa màu, vùi lấp toàn bộ hệ thống mương thoát nước, gây thiệt hại 4 ha hoa màu bị chết do ngập úng.
Tiếp đó, trong quá trình khai thác đá, Công ty xi măng Long Sơn đã nổ mìn làm đá lăn xuống vùi lấp và làm đổ gẫy cây khoảng 3.8 ha. Sau nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, năm 2019 tại cuộc họp giải quyết vấn đề nêu trên, đại diện phía Công ty xi măng Long Sơn đã công nhận và hứa sẽ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do nhà máy gây nên trước sự chứng kiến của UBND phường Đông Sơn, Phòng TN&MT TX. Bỉm Sơn. Tuy nhiên đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ khoản tiền đền bù nào, thậm chí họ vẫn tiếp tục nổ mìn khai thác, khiến đá lăn và vùi lấp thêm một phần diện tích hoa màu.
Người dân phản ánh về bãi tập kết nguyên vật liệu của Công ty xi măng Long Sơn gây ô nhiễm |
Ông Lê Duy Thơ, nguyên Bí thư xóm Trường Sơn, phường Đông Sơn, TX. Bỉm Sơn cho biết: Kể từ năm 2016, hoạt động khai thác, sản xuất của Công ty xi măng Long Sơn đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, hoa màu, đường giao thông của người dân nơi đây. Thế nhưng đến nay, người dân vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù thiệt hại.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Duy Chinh, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn cho hay: Đúng là có tình trạng Công ty xi măng Long Sơn nổ mìn khai thác khiến đất đá văng vào khu vực canh tác hoa màu của người dân. Chúng tôi có nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân trong đó có hộ ông Phương và bà Hương về vấn đề này. UBND phường đã mời các bên liên quan đến để họp bàn về phương án giải quyết, song đến nay vẫn chưa thống nhất được mức tiền hỗ trợ đền bù thiệt hại.
Tác giả: Thủy Duy Anh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường