Kinh tế

Biết gì về quý bà Lệ Khanh lọt Top Doanh nhân quyền lực nhất Châu Á?

Suốt 23 năm qua, nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh đã Vĩnh Hoàn đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.

Tạp chí uy tín Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen). Các đại diện năm nay đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc...và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

Đáng chú ý, trong danh sách có hai đại diện của Việt Nam là bà Trương Thị Lệ Khanh – nhà sáng lập và Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn và bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - nhà sáng lập và Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn. Ảnh: Forbes.

Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long (An Giang). Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP. HCM, bà Trương Thị Lệ Khanh làm việc ở một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang. Quá trình làm việc ở đây đã giúp bà có sự am hiểu về ngành thủy sản và con cá.

Năm 1997, bà Trương Thị Lệ Khanh nghỉ việc nhà nước để thành lập Vĩnh Hoàn.

Nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh cho biết: "Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi”.

Bà giải thích tên công ty: “Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn tức là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới”.

Năm 2007, Vĩnh Hoàn chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và lên sàn cuối năm đó. Với 79,15 triệu cổ phiếu VHC, bà Trương Thị Lệ Khanh đang sở hữu khối tài sản 3.301 tỷ đồng, là người giàu thứ 17 trên sàn chứng khoán Việt.

Theo lời giới thiệu của Forbes, trong 23 năm qua, bà Khanh đã đưa Vĩnh Hoàn trở thành công ty thủy sản lớn nhất Việt Nam theo giá trị vốn hóa thị trường.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt gần 400 triệu USD, tiếp tục giữ vững vị trí quán quân trong ngành cá tra từ năm 2009 đến nay.

Năm ngoái, Vĩnh Hoàn cũng là công ty hoạt động tốt nhất trong ngành thủy sản của đất nước, với 50 triệu USD lợi nhuận ròng trên doanh thu 340 triệu USD.

Vì phần lớn doanh thu đến từ thị trường quốc tế, bà Khanh cho biết, sự suy thoái toàn cầu trong ngành F&B có thể khiến doanh thu của công ty giảm 20% trong năm nay. Để tìm kiếm cơ hội phát triển mới, nữ doanh nhân này đặt mục tiêu mở rộng thị trường trong nước và thông qua các quan hệ đối tác ở châu Âu.

Trong khi đó, bà Nguyễn Bạch Điệp tốt nghiệp Đại học Mở TP HCM, ngành quản trị kinh doanh và bắt đầu làm việc cho FPT từ năm 1997.

Theo Forbes, kể từ khi gia nhập FPT Retail 8 năm trước và trở thành Chủ tịch năm 2017, bà Nguyễn Bạch Điệp đã góp phần xây dựng công ty trở thành nhà bán lẻ thiết bị công nghệ lớn thứ hai Việt Nam, với hơn 630 cửa hàng trên toàn quốc. Trong năm 2017, bà đã bổ sung thêm lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với thương vụ mua phần lớn cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu và mở rộng từ 4 cửa hàng lên khoảng 160. Để đáp ứng nhu cầu về mặt hàng dược phẩm gia tăng trong thời kỳ đại dịch, FPT Retail đặt kế hoạch mở thêm 60 nhà thuốc trong năm nay.

Tác giả: Hoàng Minh

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok